Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, ngày 16/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh và lan rộng tại 218 xã, phường, thị trấn. Các ổ dịch hầu hết chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chỉ có 2 trang trại phát sinh dịch). Tổng số lợn buộc tiêu hủy là 57.400 con (cuối năm 2019 tổng số đàn lợn toàn tỉnh còn 620.000 con lợn), số lượng tiêu hủy trên 3,3 nghìn tấn (chiếm 2,6% tổng sản lượng); gây thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi trên 130 tỷ đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến ngày 16/1/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã hoàn toàn được khống chế và đến nay không phát sinh các ổ dịch mới.

Trang trại lợn nhà ông Nguyễn Tiến Dũng xã Đỗ Sơn, Huyện Thanh BaTrang trại lợn nhà ông Nguyễn Tiến Dũng xã Đỗ Sơn, Huyện Thanh Ba

Hiện nay, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang tập trung tái đàn, tăng đàn, tín hiệu tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, tổng đàn lợn toàn tỉnh đã đạt 634.000 con. Một số địa phương có đàn lợn tăng khá như các huyện: Lâm Thao, Tam Nông, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ... Với quy mô tổng đàn lợn như hiện nay, sản lượng xuất chuồng trung bình mỗi tháng khoảng 10 nghìn tấn, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất bán ra ngoài tỉnh.

Tuy nhiên công tác tái đàn vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn do nguồn con giống khan hiếm, giá tăng cao (2,6 - 2,8 triệu/con lợn giống nuôi thịt); nguồn lực đầu tư của một số hộ chăn nuôi còn hạn chế; nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát làm cho người chăn nuôi vẫn còn tâm lý thận trọng, sợ rủi ro trong việc tái đàn lợn, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (toàn tỉnh giảm 1.181 gia trại, 39.994 hộ so với cùng kỳ năm 2019).

Mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển đàn lợn lên mức 800.000 con, trong đó đảm bảo cơ cấu đàn lợn nái từ 12 - 15%. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương khuyến khích người chăn nuôi tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện việc kê khai chăn nuôi theo quy định để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Trong đó, tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi tại các trang trại; chú trọng quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh, lợn giống; hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống phải xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo việc tái đàn lợn, đặc biệt là tái đàn lợn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở bảo đảm nguồn con giống chất lượng trại sẵn có và nguồn giống tự sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các trang trại chăn nuôi, cấp mã QR nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, giết mổ, chế biến, kiểm định chất lượng đến tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trước mắt xây dựng các chuỗi lợn thịt an toàn tại thị trường trong tỉnh.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi, trong đó chú trọng chăn nuôi an toàn. Tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo mô hình an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Thông tin đầy đủ kịp thời về các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống và giá cả, thị trường để người chăn nuôi chủ động sản xuất.

PV