Theo đó, hiện, tỉnh Thanh Hóa đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi liên kết ngày càng rõ nét và bền vững, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất. Nhiều sản phẩm liên kết, khẳng định hướng đi vững chắc cho một nền nông nghiệp xanh, chất lượng cao, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sản xuất.
Tỉnh Thanh Hóa xác định phát triển nông nghiệp toàn diện là phương án tối ưu nhằm khai thác lợi thế về vùng miền, thổ nhưỡng, địa hình, ngành nông nghiệp đã định hướng một số mục tiêu cho các sản phẩm chủ lực thuộc các lĩnh vực sản xuất đến năm 2025.
Về vấn đề áp dụng hình thức tổ chức sản xuất lấy doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết các tổ chức sản xuất cần phát huy hiệu quả các khung pháp lý về mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhằm hình thành và phát triển các hình thức liên kết trong nông nghiệp từ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó cần sự liên kết 4 nhà (nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà nước).
Từ đó, có các cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất. Đơn cử như việc phát triển chăn nuôi tập trung, chú trọng phát triển bò sữa, tăng tỷ trọng đàn gia cầm, khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, chế biến, tiêu thụ…, phát triển thủy sản, khuyến khích đầu tư nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng…
Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất. Tỉnh này đã có 67.761 ha liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, với các cây trồng chính như: mía, cao su, gai xanh, lúa giống, lúa thương phẩm, lúa hữu cơ, ngô dày, khoai tây, ớt, ngô ngọt và các loại rau, quả thực phẩm... Đồng thời, toàn tỉnh luôn duy trì ổn định diện tích gieo trồng từ 395.000 - 400.000 ha. Trong đó, diện tích lúa được duy trì khoảng 216.000 ha, sản lượng đạt 1,3 triệu tấn với 150.000 ha vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tập trung ở các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hà Trung...
Ngoài các sản phẩm chủ lực, tỉnh Thanh Hóa cũng định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh phục vụ nguyên liệu cho chế biến, như: 11.000 ha vùng nguyên liệu sắn, 3.200 ha cói, 10.000 ha cao su, 500 ha hoa thâm canh công nghệ cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Duy trì đàn bò thịt 200.000 con, trong đó đàn bò thịt chất lượng cao 75.000 con và phấn đấu 60% tổng đàn bò chất lượng cao được liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực thủy sản, đưa diện tích nuôi tôm lên 4.100 ha, với sản lượng 10.700 tấn tại các huyện ven biển: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn; 1.200 ha ngao nuôi, hướng tới 100% diện tích này được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao thông qua chuỗi, các sản phẩm mới được hình thành và bảo vệ theo quy trình, kiểm soát tốt về chất lượng, bảo đảm yêu cầu xuất xứ và chứng chỉ sản phẩm sạch, từ đó bảo đảm chất lượng và tìm được đầu ra ổn định.
Việc sản xuất theo chuỗi giúp các hộ nông dân vượt qua những hạn chế và rủi ro về vốn, công nghệ, có đầu ra nông sản, giảm bớt tình trạng tự phát và trồng - chặt, “giải cứu” do được mùa rớt giá; đồng thời, giúp cho doanh nghiệp có nguồn cung ổn định “đầu vào”, phát triển hiệu quả công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ổn định, loại bỏ được tình trạng thương lái can thiệp phá vỡ hợp đồng kế hoạch sản xuất.
Hoài Thu