Theo đại diện của Cục QLLTT Thanh Hóa cho biết, thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã nóng lên tình trạng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu rất phức tạp. Nhằm tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác trên địa bàn trong thời điểm những tháng cuối năm 2019 và dịp trước, trong, sau tết Nguyên đán canh tý 2020, Cục QLTT Thanh Hóa đã triển khai các giải pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng hoá.
Qua tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, Cục QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra, xử lý hàng loạt các vụ việc liên quan đến các hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn mác trên thị trường.
Cụ thể, ngày 22/10/2019, Đội QLTT số 7 đã phát hiện và kiểm tra cửa hàng bà Trịnh Thị Luân, địa chỉ 57 Phố Lê Lợi, thị trấn Ngọc Lặc về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ngay sau đó, cửa hàng trên đã bị phạt Vi phạm hành chính số tiền 6.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trong thời gian 2 tháng. Đồng thời, buộc tiêu hủy 4 cái máy tính điện tử giả mạo nhãn hiệu CASIO trị giá 400.000đồng.
Cục QLTT Thanh Hóa kiểm tra, xử phạt một cơ sở sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu
Đến ngày 23/10/2019, Đội QLTT số 16 đã kiểm tra trình Quyền Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh của ông Lê Văn Nghĩa, địa chỉ tại 01 Ngô Thì Nhậm, Phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) về hành vi tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Phạt Vi phạm hành chính số tiền hơn 27 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng. Cũng như buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo là: 50 cái túi xách giả mạo nhãn hiệu Chanel, 110 cái túi xách giả mạo nhãn hiệu YSL, 60 cái túi xách giả mạo nhãn hiệu LOUIS VUITTON...
Ngày 25/10/2019, Đội QLTT số 9 đã phát hiện hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại cửa hàng của ông Bùi Ngọc Xuyến, địa chỉ tại xã Thanh An, huyện Thạch Thành. Ngay sau đó, toàn bộ hàng hóa vi phạm là 17 vòi nước rửa tay giả mạo nhãn hiệu INAX trị giá hơn 15 triệu đồng đã bị tiêu hủy.
Tiếp tục đến ngày 31/10/2019, Đội QLTT số 9 đã phối hợp với Trạm CSGT 4.1 CA tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Trường tại địa chỉ An Hòa, An Lão, Bình Định về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm là 114 nồi nấu cơm điện do nước ngoài sản xuất đã qua sử dụng gồm các nồi cơm điện hiệu TOSHIBA, MITSHUBISHI, ZOJIRUSHI, TIGER, SANYO... Hành vi này đã bị phạt Vi phạm hành chính 8.000.000 đồng.
Sau đó, ngày 01/11/2019, Đội QLTT số 16 đã kiểm tra hành vi tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với hộ kinh doanh ông Lê Xuân Đức, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương. Cơ sở này sau đó đã bị xử phạt 10.000.000đ và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm là lô quần áo nhái các nhãn hiệu Adidas, Nike, Gucci, Adudas... trị giá lô hàng là 9.570.000đồng.
Ngày 10/11/2019, tại cơ sở kinh doanh của ông Đỗ Thanh Dũng, số nhà 103D Nguyễn Trãi, P. Ba Đình (TP Thanh Hóa) đã bị Đội QLTT số 16 kiểm tra và xử phạt số tiền 6.000.000 đồng, tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu máy sấy tóc Panasonic gồm 15 cái…
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng hoá sản xuất giả mạo nhãn hiệu... diễn ra khá phức tạp nhất là dịp cuối năm.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài nỗ lực của các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Còn cần có sự quan tâm hơn nữa trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi chống hàng giả. Có như vậy, mới có thể kiểm soát được vấn nạn hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu như hiện nay.
Hoài Thu