Theo đó, Dự án đường cao tốc Bắc- Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa có 3 dự án thành phần, gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài 48,9 km, đi qua các huyện: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn và Nông Cống. Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài 43,28 km, đi qua huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn. Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc địa bàn thị xã Nghi Sơn dài 6,5 km. Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án nói trên tính từ năm 2021 đến 2022 là: 2,1 triệu m3 đá các loại, 11,8 triệu m3 đất san lấp và 2,25 triệu m3 cát.
Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quyết định quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo đó, có 130 mỏ đất được quy hoạch phục vụ san lấp với trữ lượng hoặc tài nguyên môi trường dự báo khoảng 120 triệu m3.
Đối với công tác cấp phép, về vật liệu đất, hiện có 34 mỏ đã cấp phép khai thác đang còn hạn, trong đó có 21 mỏ đã đưa vào phục vụ dự án, với công suất 2 triệu m3/năm. Tuy nhiên, qua khảo sát, khối lượng đất san lấp có thể khai thác trong 2 năm từ các mỏ có thể được nâng lên 5 triệu m3. Như vậy, lượng đất san lấp còn thiếu khoảng 6,8 triệu m3. Khối lượng đất còn thiếu này tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện cấp phép các mỏ trong quy hoạch.
Về vật liệu đá, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 132 mỏ đá được cấp phép phân bố tại các huyện dọc tuyến đường cao tốc, thời hạn được cấp phép từ 10 đến 30 năm, với công suất khai thác đạt hơn 4,5 triệu m3/năm, nên bảo đảm khối lượng phục vụ dự án.
Về vật liệu cát, toàn tỉnh có 27 mỏ cát xây dựng và 1 dự án nạo vét thu hồi cát có khoảng cách phù hợp với dự án cao tốc, với tổng công suất 1,9 triệu m3/2 năm. Lượng cát còn thiếu là 0,35 triệu khối, tỉnh Thanh Hóa có thể nâng cấp công suất đủ để đáp ứng cho dự án. Trong quá trình thi công dự án, nếu nhà thầu có nhu cầu, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện cấp phép các mỏ trong quy hoạch hoặc đề nghị các nhà thầu mua cát từ tỉnh Nghệ An.
Về giá bán vật liệu, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã cùng Ban Quản lý Dự án Thăng Long kiểm tra cụ thể từng mỏ cung cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc. Theo đó, các chủ mỏ đều ký biên bản cam kết giữ giá vật liệu ổn định, không tăng giá bán trong suốt thời gian cung cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc. Mức giá doanh nghiệp cam kết là mức giá đang bán trên thị trường trong thời gian qua và chưa vượt mức giá tối thiểu để tính thuế tài nguyên được UBND tỉnh quy định với mức 49.000 đồng/m3.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã thông tin đến các thành viên trong đoàn kiểm tra thông tin chung về tiến độ thực hiện các dự án đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh này luôn sẵn sàng phối hợp với các Ban quản lý dự án, các nhà thầu để giải quyết khó khăn, vướng mắc, đáp ứng đủ nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đường cao tốc.
Hoài Thu