Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, như: tinh bột sắn, ớt, rau quả,... vốn chiếm tới khoảng 57% tổng giá trị xuất khẩu nông sản toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Công thương Thanh Hóa, trên cơ sở vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, hiện các cửa khẩu quốc tế chính, như: Hữu Nghị, Đồng Đăng, Móng Cái,... và cửa khẩu phụ trên biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc đã dần khôi phục hoạt động xuất khẩu nông sản, được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm dịch, y tế. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động thông quan chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, lượng xe vận chuyển hàng qua cửa khẩu chỉ tương đương 40% so với trước thời điểm xuất hiện dịch bệnh.Trước những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nông sản, các sở, ngành liên quan đang có những giải pháp tích cực để “nối lại” hoạt động xuất khẩu nông sản.

Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương Thanh Hóa, cho biết: Sở Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai nhanh chóng các văn bản, khuyến cáo của Bộ Công Thương cũng như các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để doanh nghiệp chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, tránh hiện tượng ùn ứ, ách tắc tiếp tục phát sinh, giảm thiểu thiệt hại không đáng có. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, tìm kiếm thị trường mới, mở rộng xuất khẩu hàng hóa. Mặt khác, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng nông sản xuất khẩu...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng đã có văn bản kiến nghị, đề xuất Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, trên cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, dành vốn cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tham gia vào hoạt động xuất khẩu.

Về phía các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động xuất khẩu, cần chủ động cập nhập diễn biến thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc để có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa. Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương  Thanh Hóa và lực lượng chức năng của các địa phương có cửa khẩu phía Bắc để triển khai đúng và đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi xuất nhập khẩu hàng hóa; không nên đưa hàng lên biên giới để bán tại các chợ, không rõ đối tượng mua hàng, nhận hàng; không tuân thủ các tiêu chuẩn về hàng hóa nông sản xuất khẩu.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng, cơ sở đóng gói,... cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với phía đối tác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan tại biên giới. Về lâu dài, chỉ đạo, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản xuất an toàn để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.

Mặt khác, tăng cường các giải pháp kỹ thuật thâm canh để giảm chi phí, nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để “chinh phục” được các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tăng giá trị và hiệu quả sản xuất.

 Hoài Thu