Khảo sát giá thịt lợn tại một số chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giá thịt lợn thời điểm sáng ngày 20/5, ở mức từ 160.000 đến 170.000 đồng/kg với thịt mông, thịt ba chỉ, các loại xương dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg, sườn hớt 170.000 đến 180.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu tháng 3/2020, thì giá thịt lợn không giảm, thậm chí một số loại thịt còn tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg.

Nhiều tiểu thương bán thịt lợn tại các chợ dân sinh, cho biết: Hiện nay, giá lợn hơi đang dao động ở mức 95.000 đến 97.000 đồng/kg, nếu đưa vào giết mổ, tỷ lệ hao hụt khoảng 20 đến 25%. Như vậy, nếu thịt lợn sau khi giết mổ được cung ứng trực tiếp ra thị trường và đến tay người tiêu dùng thì giá ở mức 130.000 đến 140.000 đồng/kg là người kinh doanh thịt lợn đã có lãi. Tuy nhiên, để thịt lợn được cung ứng đến tay người tiêu dùng hiện đang trải qua nhiều khâu trung gian, mỗi khâu lãi từ 5 đến 10%, khiến thịt lợn bị đội giá lên cao.

Nhiều người đưa ra ý kiến về nguyên nhân khiến giá lợn không hề giảm trong thời gian dài là bởi hiện tại giá lợn hơi đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Mặt khác, nguồn con giống đưa vào nuôi thương phẩm tăng cao là do khan hiếm nguồn hàng. Khi mà  các trại nuôi đều giữ lại lợn giống để thực hiện tái đàn tại chỗ, không có nguồn hàng bán ra bên ngoài. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi đã làm cho đàn lợn nái của cả nước giảm đáng kể, trong khi đó, từ lúc bắt đầu tái đàn lợn nái cho đến khi có sản phẩm để đưa vào nuôi thương phẩm phải cần thời gian từ 8 đến 10 tháng.

Giá thịt lợn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệtGiá thịt lợn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Trao đổi với báo chí, ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại, chăn nuôi của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chăn nuôi nông hộ đang chiếm tới 65%, khiến thương lái phải thu mua tận chuồng của từng hộ, sau đó vận chuyển đến nơi giết mổ, rồi từ đây các tiểu thương mới mua để cung ứng ra thị trường.

Theo tính toán của ngành chăn nuôi, do trải qua quá nhiều “cầu” như vậy, đã làm cho khâu phân phối đội giá lên khoảng 43%. Cụ thể, trong quá trình phân phối từ khâu giết mổ đến khâu bán lẻ có nhiều chi phí phát sinh, như: Tỷ lệ hao hụt chờ giết mổ 2%, tỷ lệ từ khi xuất chuồng đến khi phân loại hao hụt khoảng 25%. Ngoài ra, còn chi phí giết mổ, thú y, vận chuyển từ chuồng trại về nơi giết mổ, rồi lợi nhuận của tiểu thương.

Do vậy, để thực sự giảm được giá lợn hơi, các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp về tái đàn lợn nái để tạo nguồn dồi dào về con giống. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện chăn nuôi theo chuỗi, giảm bớt khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn, để người tiêu dùng được hưởng mức giá hợp lý.

Hoài Thu