Thành phố Thanh Hóa đang ngày càng phát triển
Thành phố Thanh Hóa đang ngày càng phát triển

Với nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động, minh chứng rõ rệt bằng những con số, những đổi thay, phát triển từng ngày.

Thanh Hóa được thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 58 và Nghị quyết số 37 có thời hạn trong 5 năm nên tỉnh này đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nhằm khai thác tối đa, hiệu quả dư địa. Từ sự chủ động, tích cực ấy, đến nay, sau hơn 1 năm, có 4/8 nội dung chính sách đã được triển khai, thực hiện.

Chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án sử dụng hiệu quả trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, 2023 tại NQ số 178/NQ-HĐND ngày 10/12/2021, NQ số 329/NQ-HĐND ngày 11/12/2022.

Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 6/4/2022 về quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha. Đến nay, HĐND tỉnh đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha để thực hiện 13 dự án trên địa bàn tỉnh.

Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh: Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg ngày 25/5/2022 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh Nghệ An tại các nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và thực hiện.

Chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiêp đang lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung - làm cơ sở trình phê duyệt theo cơ chế, chính sách đặc thù.

3 chính sách về tài chính, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đang tích cực triển khai để sớm được thực hiện, cụ thể: Chính sách về mức dư nợ vay; Chính sách về phí, lệ phí; Chính sách về thu từ xử lý nhà, đất và 1 chính sách phải báo cáo Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn để có cơ sở triển khai thực hiện (Chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn).

Cơ chế, chính sách đặc thù là “đòn bẩy” để Thanh Hóa biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.

Điều này, khiến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có sự bứt phá. Tốc độ tăng trưởng đạt thấp so với mục tiêu nghị quyết. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào việc tăng các yếu tố đầu vào như vốn, tài nguyên và số lượng lao động. GRDP bình quân đầu người và năng suất lao động xã hội thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.

Kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa như y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch...; thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Văn hóa – xã hội phát triển chưa đồng đều, khoảng cách giữa các vùng, miền có xu hướng gia tăng; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững...

Tuy nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn giữ vững quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của Thanh Hóa, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Lê Nam