hhd
Tỉnh Thanh Hóa nỗ lực đưa nguồn vốn đầu tư công trở thành nguồn lực chủ chốt thúc đẩy kinh tế.

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Trung ương phân bổ là 12.115 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công từ ngân sách Nhà nước hơn 11.785 tỷ đồng, vốn tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023 chuyển sang đợt 1 năm 2024 là hơn 330 tỷ đồng...

Ngay sau khi Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa đã giao Ban Kinh tế - Ngân sách phối hợp với các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phân bổ cho các chủ đầu tư. Trên cơ sở khả năng hấp thụ vốn của các dự án, HĐND tỉnh đã xây dựng, điều chuyển kế hoạch vốn một cách hợp lý nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn này.

Quyết liệt triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, ngày 26/1, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2024.

Theo đó, với mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trước ngày 31/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, các chủ đầu tư cần phải xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt để quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, giải quyết dứt điểm vướng mắc, đổi mới phương thức, cách thức quản lý chương trình, dự án đầu tư công để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024 của địa phương, đơn vị.

Lộ trình hoàn thành mục tiêu này cũng được chỉ đạo chi tiết, với mục tiêu đến ngày 30/6 giải ngân đạt ít nhất 50% kế hoạch vốn được giao; ngày 30/9 giải ngân đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn được giao; ngày 30/11 giải ngân đạt ít nhất 90% kế hoạch vốn được giao và đến ngày 31/12 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Cụ thể lộ trình đối với từng nhóm dự án cũng được chỉ đạo; trong đó đối với các dự án đã hoàn thành phải giải ngân 100% vốn trước 28/2; các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và dự án hoàn thành sau năm 2024 phải giải ngân từ 50% kế hoạch vốn giao trở lên trước 31/5; các dự án khởi công mới phải giải ngân đạt từ 50% kế hoạch vốn giao trước 30/7...

Trên cơ sở kế hoạch vốn phân bổ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện các dự án; đồng thời chủ động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để thuận lợi trong quá trình triển khai, không để xảy ra tình trạng “dự án chờ vốn”. Việc này cũng khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản khi nhà thầu ứng vốn thực hiện nhưng Nhà nước lại chưa bố trí được nguồn.

Với động thái chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm, tính đến 15/3, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đã đạt 2.039,9 tỷ đồng, bằng 16,8% kế hoạch vốn đã giao chi tiết và cao hơn 4,4% so với cùng kỳ. Tiến độ này hiện cao gấp gần 2 lần tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Một số chủ đầu tư là các địa phương và đơn vị cấp tỉnh đạt cao và rất cao, như: Thị xã Bỉm Sơn đạt 46,4%; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đạt 32%; huyện Yên Định đạt 28,2%; huyện Hậu Lộc đạt 25,4%; huyện Triệu Sơn đạt 23,2%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 20,9%... Tuy nhiên, cũng có những đơn vị, chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn hoặc có tỷ lệ giải ngân rất thấp so với mức trung bình của cả tỉnh, điển hình như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; TP Thanh Hóa; các huyện Quảng Xương, Đông Sơn...

Hoài Thu