nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động.
Thanh Hóa chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động.

Thời gian qua, ngành lao động thương binh và xã hội Thanh Hoá đã phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát nhu cầu của người lao động. Tăng cường tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho lao động, học sinh trung học; tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và nước ngoài theo hợp đồng.

Các ngành, địa phương cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tham gia thị trường lao động; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện về nguồn vốn vay, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn… 

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Hoàng Ngọc Trung cho biết: Năm 2023, Thị trường lao động cơ bản được phục hồi mạnh so với năm 2021 và năm 2022, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Mặc dù, những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực may mặc, giày da… trên địa bản tỉnh bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng dẫn đến phải cắt, giảm lao động, việc làm.

Tuy nhiên, bằng những giải pháp được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định; đến nay, không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động với số lượng lớn.

Được biết, từ đầu năm tới nay, tỉnh Thanh Hoá đã tạo việc làm mới cho gần 63.000 lao động, vượt 8,36% kế hoạch năm và tăng 5% so với cuối năm 2022, trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 14.710 lao động, gấp 2,94 lần kế hoạch năm và tăng 25,1% so với năm 2022.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có trên 36.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường chủ yếu là: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hằng năm, số tiền người lao động gửi về gia đình ước tính khoảng 120 đến 150 triệu USD tương đương 2.760 đến 3.450 tỷ đồng.

Nhiều địa phương có phong trào đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi diện mạo, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài gửi tiền về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại… giải quyết thêm nhiều việc làm mới.

Trong năm 2023, đã thực hiện giới thiệu 63 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và doanh nghiệp tuyển lao động trong nước về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động trên địa bàn. Tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo Chương trình EPS đối với 9.801 lao động. Ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với 28.938 lao động, tăng 10,87% so với năm 2022; cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 1.697lao độngnước ngoài làm việc tại tỉnh.

Đã tiếp nhận, thẩm định 258 lượt nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể,thông báo làm thêm giờ… của doanh nghiệp. Hoàn thành điều tra lao động, tiền lương năm 2023 cho 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và 400 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp này.

Năm 2024, dự kiến tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài là 6.000 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 2,65%và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn xuống còn 5,65%; chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó: lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp xuống còn 30,5%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt 42,2%và lĩnh vực dịch vụ đạt 27,3%.

An Nhiên