Hàng hóa bày bán tại siêu thị Vinmart Phú Sơn (TP. Thanh Hóa)
Hàng hóa bày bán tại siêu thị Vinmart Phú Sơn (TP. Thanh Hóa)

Theo đó, sự gia tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động của các cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị,... đã góp phần thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, mạng lưới chợ được phân bố ở hầu khắp các xã và hiện toàn tỉnh có 381 chợ nằm trong quy hoạch; trong đó, có 118 chợ được chuyển đổi, chấp thuận chủ trương đầu tư để doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.

Theo đó, sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tích cực huy động nguồn vốn, thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chợ theo hướng hiện đại, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giao thương trên địa bàn.

Tại khu vực miền núi, với nhiệm vụ cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân, Công ty CP Tập đoàn miền núi đã triển khai đầu tư xây dựng và không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất tại hệ thống 11 siêu thị, 2 cửa hàng tự chọn, với hơn 10.000 mặt hàng.

Sau một thời gian tiếp cận thị trường, hiện người dân khu vực miền núi đã dần hình thành thói quen mua sắm tiện ích tại các siêu thị, cửa hàng. Do đó, doanh thu của công ty tăng trưởng ổn định từ 15 - 20%/năm. Ngoài ra, hiện nay, khu vực miền núi có hàng nghìn cửa hàng tự chọn, bán lẻ.

Thực tế cho thấy, khi mức sống của người dân ngày càng tăng cao thì tâm lý và thói quen mua sắm cũng có nhiều thay đổi. Đến với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, như: Vincom, BigC, Co.opmart,... người dân không chỉ dừng lại ở việc mua sắm mà còn được giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi... Cùng với việc chọn lọc hàng hóa có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm định nghiêm ngặt thì việc tạo ra các hình thức mua sắm mới lạ, thu hút khách hàng cũng được các siêu thị chú ý nhiều hơn.

Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều siêu thị đã áp dụng chương trình mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà nhưng vẫn bảo đảm chất lượng hàng hóa và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Thương mại nội địa có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, kết nối sản xuất và tiêu dùng, có tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với sự phát triển nhanh chóng của các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cơ sở bán lẻ với nhiều mặt hàng phong phú, chất lượng, giá cả phù hợp phân bổ rộng rãi trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng tốt lưu thông hàng hóa, góp phần phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Bên cạnh các phương thức kinh doanh truyền thống, đã bước đầu xuất hiện hình thức nhượng quyền thương mại, kinh doanh qua mạng, áp dụng thương mại điện tử.

Để xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm giao thương năng động, thời gian tới, các sở, ban, ngành và các địa phương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại. Tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng dự án đầu tư hạ tầng dịch vụ thương mại phù hợp với điều kiện và định hướng cho từng vùng, từng địa phương.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thương mại; trong đó, quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân.Và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quan tâm phát triển thương mại điện tử, dịch vụ logistics; phát triển hài hòa, đồng bộ giữa hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn... tạo đà cho ngành thương mại tăng tốc, phát triển.

Hoài Thu