Cán bộ Đồn Biên phòng Đa Lộc, huyện Hậu Lộc tăng cường truyền thông cho ngư dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Đa Lộc, huyện Hậu Lộc tăng cường truyền thông cho ngư dân.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Đảm bảo công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Góp phần gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, nâng cao nhận thức, hành động và tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng cho các cơ quan thông tin báo chí tuyên truyền về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và việc triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng UBND tỉnh Chủ động cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điển tử của UBND tỉnh; thực hiện công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện tốt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm tại địa phương. Quản lý, theo dõi thông tin trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử đảm bảo những thông tin chính thống, tích cực. Xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương.

Theo dõi, rà soát, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với Nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội; phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí của tỉnh làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương liên quan thực hiện tốt Kế hoạch số 150/KH-UBND, ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có tăng cường truyền thông chính sách.

Sở Nội vụ Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông, bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, ngày 01/06/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, ngày 10/09/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Sở Ngoại vụ Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức truyền thông chính sách cho đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập, lao động trên địa bàn tỉnh bằng hình thức phù hợp, hiệu quả.

Sở Tài chính bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách của các sở, ban, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Các cơ quan báo chí của tỉnh phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương trong công tác truyền thông chính sách; tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số, mạng xã hội để tạo hiệu quả truyền thông chính sách.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông chính sách.

Bố trí bộ phận truyền thông chính sách bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ 5 kết nối, cung cấp thông tin; tiếp nhận và xử lý các vấn đề người dân tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị thông tin, để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành, thực thi chính sách.

Bố trí kinh phí thực hiện truyền thông chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính phù hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, giải quyết.

Lê Nam