Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đất đai rộng lớn và đa dạng, có 03 vùng sinh thái đặc trưng (miền núi, đồng bằng và ven biển). Diện tích đất nông nghiệp của Thanh Hóa lớn với hơn 900.000ha, chiếm 81,85% tổng diện tích tự nhiên. Những năm gần đây, với các cơ chế chính sách khuyến khích, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tập trung nên nhu cầu về sử dụng phân bón tăng nhanh.
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.294 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong đó có 19 đơn vị vừa sản xuất vừa kinh doanh, 35 cơ sở là doanh nghiệp, đại lý lớn chuyên kinh doanh phân bón; còn lại là các đại lý, hộ gia đình với quy mô và mức độ kinh doanh khác nhau.
Với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hiện có, tổng lượng sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 250.000 - 300.000 tấn/năm, với trên 30 loại phân bón khác nhau, đáp ứng 55% nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân trên địa bàn.
Thời điểm này, các loại cây trồng vụ đông xuân đang bước vào giai đoạn sinh trưởng, phát triển, cũng là lúc các loại sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng. Bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng, nên việc sản xuất, phân phối, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp đang diễn ra khá sôi động.
Để bảo đảm chất lượng của các loại vật tư nông nghiệp nhất là mặt hàng phân bón được lưu thông trên thị trường. Từ trước vụ sản xuất, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Lê Nam