Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ trên cả tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tuyến biển, cảng biển và thị trường nội địa.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng, triển khai kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Các lực lượng chức năng đã nắm chắc tình hình, đối tượng, tuyến, địa bàn, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đường dây, ổ nhóm để kiểm soát tình hình, ngặn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch cao điểm; tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá cả các hàng hoá thiết yếu; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển, chế tạo, sử dụng các loại pháo nổ trên địa bàn tỉnh...
11 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, xử lý 4.567 vụ vi phạm với số tiền thu hơn 150 tỷ đồng (trong đó số tiền truy thu thuế là hơn 107 tỷ đồng và xử phạt hành chính gần 42,5 tỷ đồng). Trong số các vụ việc vi phạm có 1.276 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, hàng cấm; 3.266 vụ vi phạm gian lận thương mại; 189 vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng giả; 395 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá và hành vi găm hàng; 1.284 vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế; có tới 895 vụ việc đã chuyển khởi tố hình sự.
Đối với việc thực hiện các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đã chủ động triển khai và đạt kết quả tốt.
Tại buổi làm việc, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã báo cáo một số vướng mắc nổi cộm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn có một số lĩnh vực chồng chéo, chưa đồng bộ và chưa có hướng dẫn cụ thể; công tác phối kết hợp giữa các ngành còn hạn chế; cơ sở vật chất, phương tiện và các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát còn thiếu và yếu; chưa có thông tin kịp thời về nguồn tin vi phạm, phương thức, thủ đoạn cũng như dự báo thị trường...
Các ngành thành viên cũng nêu lên một số thách thức mới được nhận diện trong công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh như: Tình trạng hàng hoá thẩm lậu gia tăng, các thủ đoạn trà trộn hàng hoá tinh vi qua nhiều công đoạn và phương tiện vận chuyển, việc kinh doanh hàng hoá qua thương mại điện tử rất khó quản lý về địa điểm và cách phát giác, gây thất thoát ngân sách Nhà nước; khó khăn khi xác minh thông tin liên quan đến tàng trữ, buôn bán ma tuý qua tuyến biên giới do địa bàn rộng, nhân lực thiếu, nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế...
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lữ Minh Thư - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nêu rõ: Do tỉnh Thanh Hoá có địa bàn rộng, đa dạng địa hình, dân số đông, nên công tác buôn lậu, gian lận thương mại tương đối phức tạp. Cùng chung bối cảnh khó khăn về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xác định sẽ khắc phục khó khăn chung để triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn.
Theo đó, cùng với việc đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, Ban sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường các biện pháp quản lý nắm chắc địa bàn và dự báo tình hình thị trường; nâng cao hiệu quả của việc trao đổi thông tin về thanh tra, kiểm tra và xử lý trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá cao công tác chỉ đạo nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung cũng như công tác thực hiện, triển khai các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Thanh Hóa là địa bàn trọng điểm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận và thương mại, do đó tại địa phương trong tỉnh cần nâng cao hơn nữa công tác dự báo, làm tốt công tác thu thập thông tin để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cần phối hợp, tập trung lực lượng, phương tiện và biện pháp đánh trúng, đúng đối tượng, nhất là các ổ nhóm, đối tượng cầm đầu, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung; nắm bắt nguồn tin và các phương thức, thủ đoạn mới, đặc biệt là vấn đề buôn lậu, vận chuyển hàng hoá vi phạm qua cảng biển.
Lê Nam