Các di vật được phát hiện sau khi khai quật khảo cổ học.
Các di vật được phát hiện sau khi khai quật khảo cổ học

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 19/5 đến 15/8/2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, UBND thị xã Nghi Sơn đã tiến hành khai quật khảo cổ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Am Các và địa điểm chùa Am Các, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn.

Di tích chùa Am Các tọa lạc trên sườn núi phía Đông gần đỉnh cao nhất của núi Am Các, thuộc xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn.

Trong thời gian gần 3 tháng tiến hành khai quật, với 13 di tích kiến trúc, 3 di tích tường bao, 1 di tích rãnh nước, ngói, qua khai quật đã xuất lộ khá trọn vẹn hàng nghìn di vật có chất liệu và chức năng khác nhau, như: Vật liệu, trang trí kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc đá (hình khắc và tượng Phật, chân tảng, bệ tượng, bàn đá trang trí hoa sen).

Các chân tảng, phiến đá và hiện vật là bằng chứng chân thực để xác định niên đại di tích chùa Am Các từ thời Trần, thế kỷ 14 đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 đến 18. Am Các vừa là trung tâm tôn giáo, vừa là vị trí phòng thủ quân sự ven biển quan trọng, tồn tại lâu dài trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Kết quả khai quật và nghiên cứu di tích chùa Am Các lần này sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý, quan trọng, là cơ sở khoa học vững vàng cho công tác bảo tồn, quy hoạch tổng thể và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương và cả nước.

Điều này, cũng góp phần xây dựng địa điểm chùa Am Các xã Định Hải trở thành một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia gắn với bảo tồn để phát triển du lịch tâm linh, sinh thái.

Tiến Minh