Văn hóa Đa Bút mang tên di tích khảo cổ học Đa Bút thuộc thôn Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - là một trong những nền văn hóa khảo cổ học tiêu biểu của xứ Thanh cũng như cả nước. Kể từ khi được tiến hành khai quật lần đầu vào năm 1926 đến nay, nền văn hóa này đã trải qua hơn chín thập kỷ phát hiện và nghiên cứu.
Ngay từ đợt khai quật lần đầu, di chỉ Đa Bút dần được định danh, đó là dạng di tích Cồn vỏ nhuyễn thể - Cồn hến (Kjokkenmodings) như kiểu “đống rác bếp”. Hệ thống di vật: Rìu đá, cuốc đá, bàn nghiền, chày nghiến, đồ gốm đã cho biết di tích có niên đại Đá mới.
Khoảng 5 thập kỷ sau, thông qua một loạt cuộc khai quật khảo cổ học - bắt đầu bằng đợt khai quật vào năm 1977 tại di chỉ Gò Trũng, hiện vật gốm thu được tại đây cho thấy nhiều nét tương đồng với “gốm Đa Bút” - “một cây cầu nối Đa Bút với Gò Trũng đã được xác lập”. Hai năm sau (năm 1979) di chỉ Cồn Cổ Ngựa được tiến hành khai quật. Những kết quả thu được đủ để các nhà khảo cổ học hình dung về một văn hóa riêng biệt, khái niệm “Văn hóa Đa Bút” được đề xuất và nhanh chóng được chấp thuận.
Sau các phát hiện này, một loạt di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Đa Bút đã được phát lộ qua các đợt khai quật khảo cổ học ở: Bản Thủy, Làng Còng (Thanh Hóa), Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình). Gần đây nhất là cuộc khai quật di tích Cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, Hà Trung) năm 2013 do Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng một số nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Australia tiến hành. Qua đó, tính chất, đặc trưng văn hóa và vị trí văn hóa Đa Bút trong lịch sử dân tộc đã tương đối sáng tỏ.
Quá trình chuyển biến từ văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Đa Bút thực chất là một quá trình “đá mới hóa” một bộ phận cư dân văn hóa Hòa Bình cư trú ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa - Ninh Bình, chính họ là chủ nhân tiên phong tách khỏi hang động, thung lũng tiến xuống chinh phục và khai phá đồng bằng kế cận.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2655/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò khảo cổ tại địa điểm Đa Bút thuộc thôn Đa Bút, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian thăm dò từ ngày 01/11 đến ngày 20/11/2022, trên diện tích 4m2. Chủ trì thăm dò là ông Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học.
Trong thời gian thăm dò khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Các hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Sở VHTT&DL tỉnh có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc; báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật.
Văn hóa Đa Bút có nguồn gốc từ văn hóa Hòa Bình, bằng chứng là sự bảo lưu yếu tố Hòa Bình trong văn hóa Đa Bút qua tổ hợp công cụ đá, phương thức mai táng (chôn người nằm co, ngồi xổm bó gối) và thành phần chủng tộc kiểu Hòa Bình còn bảo lưu trong Đa Bút. Kể cả truyền thống khai thác nhuyễn thể từ ốc núi, ốc suối sang các loài hến trong sông, rồi nhuyễn thể biển. Tuy nhiên, văn hóa Đa Bút đã xuất hiện các yếu tố mới như: Rìu hình bầu dục, rìu tứ giác, mài lan thân, mài toàn thân, đặc biệt là đồ gốm.
Tất cả những điểm nói trên cho thấy, văn hóa Đa Bút có nguồn gốc từ văn hóa Hòa Bình, song cách tân khác Hòa Bình và tiến bộ hơn Hòa Bình.
Hoài Thu