Trước khi hội nghị diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ Dự án Đường giao thông nối từ đường Trần Phú đến đường Nam Bỉm Sơn 6, thị xã Bỉm Sơn; Đầu tư xây dựng và nâng cấp đê Tam Điệp và cầu Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn.

Dự án Đường giao thông nối từ đường Trần Phú đến đường Nam Bỉm Sơn 6, thị xã Bỉm Sơn có tổng mức đầu tư gần 336 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 117 tỷ đồng cho chi phí xây dựng; vốn ngân sách thị xã Bỉm Sơn, nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách thị xã và các nguồn huy động hợp pháp khác thực hiện phần còn lại.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Thời gian thực hiện dự án trong các năm từ 2022 - 2025. Đến nay, chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu được toàn bộ mặt bằng phần cầu và khoảng 35% mặt bằng phần đường, với khối lượng hoàn thành trên công trường khoảng 58 tỷ đồng, tương đương 22,5% giá trị hợp đồng.

Đối với Đầu tư xây dựng và nâng cấp đê Tam Điệp và cầu Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn có số vốn hơn 268,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh đảm bảo không quá 50% chi phí xây lắp và vốn ngân sách thị xã Bỉm Sơn, nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách thị xã Bỉm Sơn và các nguồn huy động hợp pháp khác 183,58 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong các năm 2022-2025. Lũy kế vốn giải ngân đến nay đạt hơn 67,8 tỷ đồng. Thanh toán vốn năm 2024 của dự án đạt hơn 39,5 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách tỉnh là gần 29,6 tỷ đồng, đạt 73,92%.

Sau khi nghe lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn báo cáo công tác triển khai và những khó khăn đối với việc thi công dự án như vốn đối ứng từ nguồn ngân sách thị xã, thiếu vật liệu đất đắp do công suất các mỏ đất trên địa bàn không đáp ứng nhu cầu của dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ghi nhận những nỗ lực triển khai dự án của địa phương; đồng thời gợi mở, đề nghị thị xã Bỉm Sơn nghiên cứu, chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đối ứng; chủ động khâu giải phóng mặt bằng để có thể triển khai dự án ngay khi cân đối, điều tiết được ngân sách.

Làm việc với các chủ đầu tư, địa phương thuộc địa bàn, lĩnh vực kiểm tra của Tổ công tác số 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và đoàn công tác cũng đã nắm lại thực trạng, tiến độ triển khai các dự án tại từng chủ đầu tư, địa phương và dự án cụ thể.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước được tỉnh phân bổ chi tiết cho 9 chủ đầu tư, địa phương thuộc tổ công tác số 4 năm 2024 là hơn 718 tỷ đồng cho 36 dự án. Tính đến ngày 12/3, tổng số vốn đã giải ngân cho các chủ đầu tư là hơn 146,5 tỷ đồng, đạt 20,42% kế hoạch vốn giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh là 7,22% và chiếm 8,7% tổng số vốn giải ngân của cả tỉnh.

Trong số 9 đơn vị, có 03 đơn vị thực hiện giải ngân vượt và đạt kế hoạch giải ngân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bao gồm: Thị xã Bỉm Sơn 21%; huyện Triệu Sơn 23,2%; huyện Cẩm Thủy 25,6%. 6 đơn vị còn lại giải ngân chưa đạt kế hoạch giao theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; trong đó tính đến 12/03, có 02 đơn vị là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đảng uỷ khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh chưa thực hiện giải ngân. Bốn đơn vị còn lại là: Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng các Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện: Đông Sơn, Thạch Thành, Mường Lát giải ngân thấp hơn yêu cầu.

Thông qua hội nghị trực tiếp và kết nối trực tuyến, đại diện lãnh đạo các chủ đầu tư, địa phương đã báo cáo, giải trình những vướng mắc, khó khăn trong công tác triển khai thi công và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, trong 36 dự án của 9 chủ đầu tư, có 9 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, tái định cư; 1 dự án gặp khó khăn về khan hiếm vật liệu đắp cho công trình; 3 dự án gặp các khó khăn cụ thể khác.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các chủ đầu tư trong công tác triển khai, chỉ đạo thi công cũng như giải ngân nguồn vốn đã được giao. Những nỗ lực này đã làm nên kết quả khả quan khi tiến độ giải ngân của nhóm các chủ đầu tư, địa phương thuộc phạm vi phụ trách của tổ công tác số 4 cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh. Đặc biệt, đồng chí ghi nhận và khích lệ khi các chủ đầu tư đều phát biểu, cam kết sẽ giải ngân hết 100% số vốn trong năm nay.

Với những khó khăn đang làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án, làm chậm tiến độ giải ngân vốn, đặc biệt trong công tác GPMB, đồng chí yêu cầu các địa phương vận dụng các văn bản pháp lý đã được phê duyệt, chủ động tiến hành việc áp giá bồi thường, GPMB theo quy định; đồng thời huy động sự vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, tự nguyện bàn giao mặt bằng, hiến đất, tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng đối với kích cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trên cơ sở các công việc cụ thể đã giao, tiến độ giải ngân theo yêu cầu của Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 26/1/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, các chủ đầu tư cần chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn, phấn đấu giải ngân hết 100% số vốn được giao.

An Nhiên