Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hiện tiềm năng phát triển DN từ hộ kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa rất lớn với hơn 91 nghìn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 26 nghìn hộ kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên, thuộc đối tượng quản lý thuế, có những hộ quy mô rất lớn. Do đó, phát triển hộ kinh doanh đủ điều kiện trở thành DN là định hướng, giải pháp rất quan trọng trong phát triển DN của tỉnh này.

Trong 9 tháng đầu năm 2020có 1.827 DN được thành lập mới, với số vốn đăng ký 18.645 tỷ đồng, giảm 1% về số DN và tăng 17,2% về số vốn so với cùng kỳ, nhưng đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 7 cả nước về số DN thành lập mới; có 659 DN tạm ngừng kinh doanh, quay trở lại hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ; lũy kế có 16.457 DN đang hoạt động. 3 năm liên tiếp gần đây, mỗi năm tỉnh Thanh Hóa thành lập mới khoảng 3.000 DN, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thành lập DN.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu năm 2020 sẽ có ít nhất 20.000 DN hoạt động, do vậy để đạt mục tiêu này, trong 3 tháng cuối năm, các cấp, các ngành liên quan sẽ tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển DN. Trong đó, phát triển DN từ các hộ kinh doanh cá thể được xem là giải pháp trọng tâm.

Thực tế cho thấy, không chỉ là đối tượng tiềm năng trong phát triển DN mới, các DN đi lên từ mô hình hộ cá thể đã có sẵn nền tảng, thị trường kinh doanh. Đối tượng này nếu hoạt động bài bản, sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn so với các DN lần đầu tham gia thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động về cơ chế của Nhà nước, chính quyền các cấp cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng để hộ sản xuất cá thể yên tâm khi đăng ký thành lập DN.

Hơn nữa, mục tiêu của phát triển DN là không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. Do đó, các địa phương cần tích cực phối hợp với ngành thuế trong việc rà soát, xác định doanh thu của các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện thành lập DN và có tiềm năng phát triển để vận động.

Lê Nam