Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến hết năm 2020, 100% hồ sơ công việc được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử ở các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Đến hết năm 2022, có 70% các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 60% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 80% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 20% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Đến năm 2025, 90% các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 75% trở lên; tối thiểu 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Phát triển kinh tế số đến hết năm 2022 chiếm 15% GRDP; đến hết năm 2025 chiếm 20% GRDP.

Đến năm 2030, phát triển Chính quyền số đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 80% trở lên.

UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; đôn đốc, điều phối chung việc triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa chủ trì hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định; Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn từ 03 đến 05 xã, phường, thị trấn để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho tổ chức, người dân...

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, công dân; ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các đơn vị; Chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, đề án để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; trước mắt khẩn trương triển khai đối với các dịch vụ thiết yếu như thanh toán tiền điện, nước, các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, nộp các loại thuế, phí hàng năm.

Hoài Thu