Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị “về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu rõ:

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã kịp thời quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức 18 lớp tập huấn cho hơn 3.000 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Qua đó, đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng hiện nay.

Căn cứ Chỉ thị, các quy định, hướng dẫn của Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh; chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn rà soát chính trị nội bộ, thẩm định tiêu chuẩn chính trị phục vụ cho công tác cán bộ; định kỳ sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 39, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm đó là:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng phải làm tốt công tác phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương, cấp ủy cấp trên về công tác bảo vệ chính trị bộ Đảng; ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ phù hợp ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng phải được thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên nắm tình hình chính trị nội bộ, xử lý thông tin, phân tích và chủ động phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, không để xảy ra sơ hở, mất cảnh giác chính trị nội bộ.

Thứ ba, phải thực hiện tốt việc rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị phục vụ cho công tác cán bộ và kết nạp đảng viên; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan tham mưu theo Quy chế phối hợp. Khi xem xét, giải quyết vấn đề chính trị của cán bộ, đảng viên, của người vào Đảng, người làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị phải thực sự công tâm, khách quan, toàn diện.

Thứ tư, phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, các tầng lớp Nhân dân trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trực tiếp tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và bảo vệ cán bộ, đảng viên.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận 21-KL/TW; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị. Đồng thời nêu lên những cách làm, bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; việc đấu tranh với các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng không gian mạng thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; việc chấp hành các quy định về chế độ bảo mật, an toàn, an ninh thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp Nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, coi đây là vấn đề tất yếu, khách quan, cấp bách; là bộ phận không thể tách rời của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự “sống còn” của Đảng, sự “tồn vong” của chế độ, lợi ích của quốc gia, dân tộc và “sinh mệnh chính trị” của cán bộ, đảng viên.

Quán triệt đường lối của Đảng, thực hiện Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị, trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng của tỉnh nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà các cấp ủy, tổ chức đảng đã đạt được trong triển khai thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ 5 tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng và từng đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trọng tâm là:

Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị; Kết luận số 72-KL/TW, ngày 19/5/2020 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”, Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị “Về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, Quyết định số 1881-QĐ/TU, ngày 03/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Đảng trong các cơ quan, tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ tỉnh...

Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xác định rõ quan điểm: “Công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng và thường xuyên nhất là các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị”...

Khánh An