Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 118 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 13, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h.
Dự báo đến 4 giờ ngày 5/9, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/h, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 560km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 4 giờ ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15 km/h, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Đến 4 giờ ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h và đi vào vịnh Bắc Bộ, Sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4; vịnh Bắc Bộ cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Cảnh báo, từ 72-120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km, cường độ tiếp tục giảm.Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-10.
Vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật trên cấp 16, biển động dữ dội.
Từ ngày 5-6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Vùng gần tâm bão gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17.
Trong 24 giờ tới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 4-6m. Từ ngày 5-6/9, độ cao của sóng biển có thể tăng lên 7-9m, biển động dữ dội và rất nguy hiểm đối với tàu thuyền hoạt động tại vùng biển trên.
Trước đó, tối ngày 3/9, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện về việc khẩn trương triển khai ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước do thiên tai có thể gây ra...
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, đến sáng ngày 4/9, tỉnh này có 835 phương tiện/6.566 lao động đang hoạt động trên biển. Cụ thể: Vịnh Bắc Bộ: 820 phương tiện/6.397 lao động; Nam biển Đông: 13 phương tiện/149 lao động; Hoàng Sa: 2 phương tiện/20 lao động.
Số phương tiện hoạt động trên đã nắm được thông tin về vùng áp thấp và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương ngày 1-2 lần/ngày.
An Nhiên