Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn
Nằm ở cực Bắc Trung bộ, cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ và là vùng Tây Bắc nối dài, điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế; cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây - Tây Bắc và Đông Bắc Lào; Thanh Hóa là vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực và cả nước. Tỉnh có quy mô diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, với trên 11.120 km2, quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước, với trên 3,64 triệu người.
Thanh Hóa là một trong số ít địa phương trong cả nước hội tụ đủ 03 vùng địa lý (miền núi, đồng bằng và ven biển), có hệ thống giao thông thuận lợi, gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua. Tỉnh có Khu kinh tế Nghi Sơn gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và 08 khu công nghiệp, vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cơ sở sản xuất, ngành, lĩnh vực có đóng góp lớn cho phát triển của khu vực và cả nước, như: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước; các nhà máy xi măng với tổng công suất 19,5 triệu tấn/năm, chiếm 18% tổng công suất sản xuất xi măng của cả nước; 02 nhà máy nhiệt điện công suất 1.800 MW. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, như: Thu hút khách du lịch, thị trường bán lẻ, thành lập mới doanh nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu ngân sách nhà nước...
Năm 2022 vừa qua, thu ngân sách của tỉnh đạt 51.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, mức thu này gấp 3,9 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010; đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước.
Bước sang năm 2023, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn thách thức nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng khá.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,73%, là mức tăng trưởng khá so với bình quân chung cả nước và một số tỉnh có điều kiện tương tự. Đáng chú ý là 9 tháng năm 2023, cả 3 khu vực kinh tế trên địa bàn tỉnh đều tăng trưởng dương, một số lĩnh vực tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông - lâm - thủy sản đạt 3,75%; không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,8% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo. Trong 9 tháng có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 104 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 10,28% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,54%. Trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nguồn nguyên, vật liệu, thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn duy trì sản xuất ổn định, tăng công suất và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), Nhà máy may xuất khẩu quốc tế CD tại xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (Yên Định)... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,54%, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng hoặc tương đương với cùng kỳ.
Lĩnh vực dịch vụ, doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 14,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 12,4%, tổng thu du lịch tăng 18,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 14,8%, vận chuyển hành khách tăng 38,6%, doanh thu vận tải tăng 27,9%.
Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt trên 103 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới đứng thứ 8 cả nước. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả này đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Xuất khẩu hàng hoá đạt trên 3,9 tỷ USD
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang xuất khẩu 55 chủng loại hàng hóa tới 53 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. các doanh nghiệp đang tích cực thay đổi cơ cấu sản phẩm, tận dụng tối đa các đơn hàng, tìm kiếm, xúc tiến thương mại ở các thị trường mới.
Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp không chỉ đảm bảo ổn định sản xuất, việc làm cho người lao động, mà còn có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đón chờ cơ hội phục hồi của thị trường trong thời gian tới.
Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này ước đạt trên 3,9 tỷ USD, bằng 71,7% kế hoạch năm.
Từ cuối quý 3 đến nay, hoạt động xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi trở lại. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường, đón bắt đơn hàng dịp cuối năm.
Ngành du lịch khởi sắc
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi, với thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, trải dài từ miền núi, trung du đến ven biển và hải đảo; cùng với nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ, từ đường sắt, đường cao tốc, đường ven biển, đến cảng biển và cảng hàng không; nhiều các tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu cả nước đang tiếp tục được đầu tư và sẽ sớm đi vào hoạt động; du lịch Thanh Hóa sẽ tiến xa hơn nữa, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, du lịch Thanh Hóa đã và đang khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam, khi liên tiếp nằm trong top các địa phương là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước trong thời gian qua. Sự tăng trưởng về thứ hạng của ngành du lịch Thanh Hóa đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Thanh.
Cụ thể, tại kỳ nghỉ lễ đầu tiên sau khi du lịch chính thức mở cửa trở lại (30/4 và 1/5/2022) Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương đón nhiều khách du lịch nhất cả nước, đạt 898.000 lượt khách, tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 5 về lượt khách và đứng thứ 4 về tổng thu du lịch so với cả nước, với 11.038.000 lượt khách và tổng thu du lịch đạt 20.060 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón 11.891.000 lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022 và đạt 99,2% kế hoạch năm 2023.
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2023, tổng lượt khách đến Thanh Hóa đạt 205.400 lượt khách, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2022, trong đó khách quốc tế 51.800 lượt khách; tổng thu du lịch đạt 489 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2022. Qua đó, góp phần nâng tổng thu du lịch 10 tháng của toàn tỉnh lên 23.223 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2022 và đạt 96% kế hoạch năm 2023.
Với nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch trong tình hình mới, nhiều khả năng du lịch Thanh Hóa sẽ hoàn thành mục tiêu trước thời hạn, trở thành một trong những điểm đến đón lượng khách lớn của cả nước trong năm 2023.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định:
Để du lịch giữ đà tăng trưởng, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Thanh Hóa tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch có tiềm lực, thương hiệu mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch.
Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua đã tạo đà cho các địa phương, các nhà đầu tư tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo nên nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Tăng cường hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã có bài phát biểu tham luận quan trọng.
Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của quốc gia đã xác định: “Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới”.
Cụ thể, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cho Thanh Hóa trên cơ sở lấy thành phố Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân làm trọng điểm để tăng cường phối hợp, gắn kết với các địa phương trong và ngoài vùng. Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ, bao gồm Hoàng Mai, Đông Hồi, Nghệ An - Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa - Khu vực Tây Bắc Nghệ An. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ này, tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức: Hợp tác, liên kết, cùng phát triển là xu thế tất yếu trong giai đoạn mới hiện nay, như câu ngạn ngữ: "Muốn đi nhanh thì đi một mình muốn đi xa thì đi cùng nhau". Việc đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển, nhưng phải đặt trong bối cảnh chung của cả nước và khu vực Bắc Trung Bộ; phù hợp với định hướng phát triển quốc gia, quy hoạch phát triển vùng và các quy hoạch ngành quốc gia. Các giải pháp phát triển liên kết tiểu vùng phải phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh và thế mạnh của khu vực. Phát huy vai trò của từng địa phương trong Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nhất là trong giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững, nhằm khai thác, phát huy tốt thế mạnh, lợi thế so sánh, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển chung cho cả vùng và các tỉnh.
Thứ hai, trong phát triển liên kết với các địa phương, Thanh Hóa luôn xác định “Tỉnh mạnh thì vùng mới mạnh và Tỉnh có mạnh thì mới có điều kiện và có cơ hội để phát triển liên kết”. Do đó, sẽ tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao làm nền tảng; công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Thanh Hóa tập trung ưu tiên các nguồn lực để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn theo hướng đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và du lịch ven biển trọng điểm của cả nước, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy hợp tác với các địa phương, nhất là khu vực Bắc Nghệ An.
Thứ ba, triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa 03 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; đẩy mạnh và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ; tăng cường trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các bất cập, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng, dịch vụ, du lịch, khu đô thị, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, hướng tới hình thành tam giác phát triển, cụ thể:
Trong phát triển kinh tế biển và hàng hải: Tập trung huy động nguồn lực để phát triển Cảng Nghi Sơn và Cảng Đông Hồi, lấy thế mạnh của cảng nước sâu Nghi Sơn để hình thành cụm Cảng Nghi Sơn - Đông Hồi. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư để hình thành Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại đây, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lưu kho, vận chuyển, ký gửi hàng hóa… Phối hợp thu hút các dự án chế biến thủy sản lớn, có tính liên vùng, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với ngư dân và người nuôi trồng thủy sản; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú tàu thuyền, hình thành đô thị nghề cá.
Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Thanh Hóa tăng cường liên kết, hợp tác hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; kết hợp phát triển nông nghiệp sạch với phát triển du lịch sinh thái; mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ rừng quản lý bền vững để phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu và hình thành các trung tâm chế biến gỗ tại các tỉnh.
Trong phát triển công nghiệp: Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi, cùng với Khu kinh tế Nghi Sơn từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, tập trung vào các thế mạnh, như: Thu hút đầu tư các dự án sau lọc hóa dầu, hình thành cụm liên kết các ngành sản phẩm sau lọc hóa dầu; liên kết thu hút các dự án công nghiệp vật liệu xây dựng để khai thác lợi thế về tài nguyên đá vôi, đá trắng, đưa khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ trở thành thủ phủ công nghiệp vật liệu xây dựng của vùng và cả nước. Từ nay đến cuối năm 2023, khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn, Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong phát triển kết cấu hạ tầng: Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển và các tuyến giao thông kết nối, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian phát triển, liên kết với các khu vực khác trong vùng và cả nước; nghiên cứu ban hành cơ chế tạo nguồn lực, phối hợp trong hoàn thiện quy hoạch hạ tầng, tạo điều kiện để đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi, các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng để nâng cao khả năng kết nối, gắn kết giữa các đô thị.
Trong phát triển du lịch: Thanh Hóa tăng cường liên kết, hợp tác xây dựng, phát triển các sản phẩm có thế mạnh, như: Du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch di sản,... hướng tới hình thành các cụm du lịch trọng điểm của vùng; đẩy mạnh hợp tác trong xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối liên tỉnh, liên vùng.
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Thanh Hóa tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ, công tác đối ngoại quân sự và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ, trọng tâm là phối hợp xây dựng chiến lược phát triển nguồn lực gắn với định hướng thu hút đầu tư của khu vực, không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo chuyên sâu các ngành, nghề gắn với thế mạnh của từng vùng, từng tỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi.
Thanh Hóa, vùng “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng và văn hóa đặc sắc. Với bề dày lịch sử hơn 990 năm, danh xưng Thanh Hóa đã hun đúc nên truyền thống vẻ vang và bản chất tốt đẹp của con người xứ Thanh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết, sáng tạo của nhân dân các dân tộc các thời kỳ, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu to lớn trở thành một trong những điểm sáng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung và tiếp tục vững vàng trên hành trình vươn tới khát vọng thịnh vượng.
“Mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” - Trích Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lê Nam - Hoài Thu