Cụ thể, Ban Chỉ đạo gồm 37 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là Trưởng ban, cùng với hai Phó trưởng ban thường trực, hai Phó trưởng ban, hai Ủy viên thường trực và 30 Ủy viên. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 32 thành viên.

Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 theo đúng Quy chế của Kỳ thi.

Thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019 do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm Trưởng ban - Hình 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019

Quyết định cũng cho biết, nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký do Trưởng ban Chỉ đạo phân công. Ban Chỉ đạo sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ của kì thi THPT Quốc gia và các công việc tuyển sinh  khác có liên quan.

Theo dự kiến kì thi THPT quốc gia 2019 sẽ tổ chức vào ngày 25 và 26/6 còn 27/6 là buổi thi dự phòng nếu có các vấn đề phát sinh. Thời gian tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ vẫn diễn ra từ cuối tháng 7 cho đến hết tháng 12 như mọi năm.

Tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, học sinh sẽ làm bốn bài thi, trong đó có ba bài thi độc lập bắt buộc và một trong hai bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.

Ba bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ. Hai bài thi tổ hợp gồm Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ có nội dung nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở tuyển sinh.

Về khâu coi thi, Bộ GD&ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên đại học, học viện, trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên đến hội đồng thi tỉnh, thành phố để phối hợp tổ chức thi. Nguyên tắc là trường đại học, cao đẳng không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Có quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của người liên quan trong việc bảo quản đề, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi.

Huy Trung