Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương Thành phố theo dõi, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và UBND các quận huyện xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại chợ và các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu trong điều kiện an toàn. 

Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án mở lại chợ truyền thống
Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án mở lại chợ truyền thống. (Ảnh: SGGP)

Đồng thời, giao UBND TP Thủ Đức và các quận huyện bám sát hướng dẫn của Sở Công Thương, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương khẩn trương thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại đối với các chợ truyền thống trong điều kiện an toàn hoặc triển khai phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động.

Đáng chú ý, trong văn bản khẩn lần này UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận huyện phải đăng ký thời hạn, tiến độ triển khai, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để Sở Công Thương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.

UBND Thành phố cũng chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các đơn vị quản lý chợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh, ngẫu nhiên đối với tiểu thương, người mua hàng tại chợ, đồng thời thực hiện phun xịt, khử khuẩn định kỳ đối với các điểm bán hiện đang hoạt động.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 40/237 chợ hoạt động. Nhiều quận, huyện vẫn đang đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện tiến độ tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống tại các quận, huyện rất chậm. Điều này làm gia tăng áp lực lên hệ thống phân phối hiện đại, ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân.

Nguyễn Tùng – Hoàng Dương