Cụ thể, các đơn vị liên quan mà thanh tra tỉnh làm việc là Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh Quảng Ninh), UBND thành phố Hạ Long, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, tính từ cuối năm 2022 đến tháng 5/2023, đã có 4 cuộc kiểm tra liên quan đến công tác an toàn, PCCC đối với hoạt động tàu du lịch được cơ quan chức năng tổ chức. Trong đó, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh) tiến hành một cuộc kiểm tra chuyên đề theo Kế hoạch tổng kiểm tra rà soát trên toàn quốc. Sở Giao thông Vận tải triển khai 2 cuộc kiểm tra đột xuất về công tác PCCC theo chỉ đạo của UBND tỉnh. UBND TP. Hạ Long triển khai một cuộc kiểm tra phân loại và đánh giá chất lượng tàu du lịch hàng năm.
Theo kết quả làm việc giữa Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, việc Chi hội Tàu du lịch Hạ Long phản ánh các sở, ban ngành, địa phương triển khai nhiều cuộc thanh kiểm tra công tác an toàn PCCC, hoạt động của các tàu du lịch là có cơ sở.
Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt; đồng thời việc triển khai một số cuộc thanh kiểm tra đột xuất về công tác an toàn PCCC, do tình hình cháy nổ vừa qua xảy ra rất nhiều trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra quá nhiều lần công tác PCCC, hoạt động của tàu du lịch làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tạo áp lực và khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, một số cuộc kiểm tra của các sở, ban, ngành, quá trình kiểm tra làm việc, các doanh nghiệp không nhận biên bản kết quả làm việc kiểm tra.
Do đó, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp triển khai tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại doanh nghiệp, để đảm bảo không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/doanh nghiệp/năm theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Quá trình triển khai tổ chức các cuộc thanh tra kiểm tra đột xuất, phải bám sát các văn bản chỉ đạo (của Trung ương, của tỉnh); đồng thời xem xét toàn diện nội dung đó đã được thanh tra, kiểm tra chưa để kế thừa kết quả trước đó và lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp đề kiểm tra cho phù hợp; tăng cường công tác trao đổi thông tin để xử lý chồng chéo nếu có trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, quá trình làm việc phải có văn bản thông báo, quyết định, kế hoạch kiểm tra, biên bản kết quả kiểm tra gửi cho đối tượng kiểm tra biết để giám sát.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đề nghị Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh Quảng Ninh) nghiên cứu xem xét các nội dung đề xuất của Chi hội tàu du lịch Hạ Long liên quan đến việc đề nghị giãn thời gian thẩm duyệt PCCC đối với 51 phương tiện hoán cải, đóng mới sau thời điểm năm 2014; xem xét không thẩm duyệt thiết kế đối với các con tàu còn thời gian hoạt động trong 1 năm.
Đối với nội dung Chi hội Tàu du lịch Hạ Long kiến nghị về việc bỏ kiểm tra đối với việc phân loại và đánh giá chất lượng tàu du lịch hàng năm (theo Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015), Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn xem xét - tham mưu, đề xuất cụ thể nội dung theo chức năng nhiệm vụ.
Trước đó, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần kiến nghị bỏ kiểm tra đối với việc phân loại và đánh giá chất lượng tàu du lịch hàng năm. Do tàu được phép hoạt động, thì đã có đầy đủ giấy tờ của các đơn vị liên quan như đăng kiểm, PCCC… và các đơn vị này cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ.
Trần Trang (T/h)