Qua gần 2 thập kỷ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phân công lao động xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thông qua Nghị quyết 14-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa IX ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Chính phủ đã liên tục đổi mới các cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Động lực phát triển
Nhìn lại những thành tựu đã đạt được qua nhiều năm đổi mới và sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của thành phần kinh tế này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Việt Nam đã có một khu vực tư nhân đông đảo gồm hơn 800.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận.
"Mặc dù vậy, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta không thể không trăn trở. Chúng ta chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc, năng suất của khu vực tư nhân nói chung còn thấp, tính phi chính thức cao, nền kinh tế có quá ít các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu…", ông Lộc bày tỏ.
Từ thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đang là "cỗ máy" tạo việc làm lớn trong nền kinh tế; lại gánh vác trọng trách lịch sử chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, còn là khu vực mưu sinh của hàng chục triệu gia đình, với sự tăng trưởng, lớn mạnh không ngừng, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp tới hơn 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang còn tiếp tục gia tăng thêm nữa.
Để có thể thực hiện mục tiêu gia tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đạt mức 50% GDP vào năm nay và 55% vào năm 2025; 60-65% vào năm 2030, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực; trong đó cải cách thể chế giữ vai trò nền tảng. Chính phủ cũng nỗ lực nhiều hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là ở các nội dung như khởi sự doanh nghiệp, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải thể và phá sản doanh nghiệp.... Đây vốn là những lĩnh vực mà Việt Nam đang nằm ở nhóm trung bình thấp theo bảng xếp hạng của một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới...
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) từng đặt vấn đề, qua nhiều năm phát triển nhưng vì nhiều lý do, khu vực doanh nghiệp của tư nhân vẫn khó trở nên lớn mạnh và thường chỉ ở quy mô nhỏ, năng lực công nghệ, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng không có sự thay đổi như kỳ vọng, kể cả về cơ cấu cũng chủ yếu thuộc các lĩnh vực dịch vụ giản đơn nên khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị vẫn không được cải thiện.
Đó là chưa nói tới, năng lực quản lý và tổ chức sản xuất vẫn còn lạc hậu, chưa có nhiều chuyển biến bắt kịp với xu thế của tổ chức sản xuất kinh doanh trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0. Không những thế, sự liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn rất yếu... Một số tập đoàn kinh tế tư nhân cũng đã được hình thành, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng; chứ chưa có tập đoàn tư nhân quy mô lớn, có năng lực thực sự trong lĩnh vực công nghệ. Điều này dẫn đến sự hạn chế trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp khác thực hiện thay đổi tổ chức sản xuất- kinh doanh theo hướng hiện đại...
Cốt yếu là do môi trường kinh doanh chưa thực sự tạo điều kiện để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển thực sự; đặc biệt là theo hướng hiện đại để phù hợp với yêu cầu của thời cuộc mới, ông Cung phân tích. Thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều quy định, chính sách thiếu đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả thấp nên chưa định hướng, dẫn dắt xu hướng phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Quản lý Nhà nước vẫn mang nặng tính hành chính, chưa thực sự tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Nhiều chính sách và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự hiệu quả do nguồn lực còn hạn chế lại phân bổ dàn trải, kém hiệu quả... Về mặt chủ quan thì nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa biết và chưa hiểu nhiều về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Lại thêm tư duy kinh doanh ngắn hạn nên họ chưa có những định hướng chiến lược trong trước mắt và lâu dài để thích ứng với xu thế hội nhập trong tình hình mới.
Nhìn trực diện vào đường hướng phát triển của một số tập đoàn kinh tế tư nhân, ông Cung nhận định, đa phần trong số những tập đoàn kinh tế hiện có đều được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn ngủi, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ. Quá trình phát triển theo mô hình tập đoàn của nhóm các tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay cũng gặp phải một số khó khăn về quản trị, về mô hình, do phần lớn đều phát triển từ quy mô doanh nghiệp gia đình.
Thêm nữa, theo ông Cung, liên kết trong mô hình ở một số tập đoàn kinh tế hiện còn khá đơn giản, chưa triển khai được các hình thức liên kết “mềm” thông qua các thỏa thuận, hợp tác sử dụng thương hiệu, dịch vụ, kết quả nghiên cứu đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ chung trong tập đoàn theo nguyên tắc thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân mới chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như dịch vụ, bất động sản… Do vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện vẫn thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế....
Kỳ vọng mới
Kỳ vọng vào những chuyển biến trong giai đoạn tới đây và nhiều năm tiếp theo để khu vực kinh tế tư nhân thực sự phát triển đúng hướng và có nền tảng bền vững, ông Cung cho rằng, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách.
Chẳng hạn như các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật...
Cùng với đó, Nhà nước bảo đảm việc thực thi thật minh bạch, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp...
Theo ông Cung, Nhà nước nên xây dựng chính sách tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp của tư nhân... Ngoài ra, Nhà nước có chính sách đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công; có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, các công ty đa quốc gia lớn. Từ đó, gắn với yêu cầu chuyển giao và lan toả rộng rãi công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của tư nhân trong nước, nhất là trong phát triển ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao....
Đồng tình với việc không thể tách rời sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân với các chính sách tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và thu hút chọn lọc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Vũ Tiến Lộc tiếp tục kiến nghị, song song với việc thúc đẩy các biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng và tạo thêm dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, Chính phủ nên thúc đẩy các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước hay tham gia vào các dự án của Nhà nước và các gói thầu mua sắm công…
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để định hướng làn sóng FDI mới phù hợp với yêu cầu của đất nước và không chèn lấn sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước. Chính phủ có chính sách vận động khuyến khích các doanh nghiệp FDI hỗ trợ nâng cao năng lực giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và tạo liên kết với khu vực tư nhân trong nước trong các hoạt động sản xuất kinh doanh...
Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Thanh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho nhiều dự án, công trình hay gói thầu mua sắm công là chủ trương đúng đắn, cần được phát huy. Đặc biệt, chủ trương này cần được quán triệt, để thống nhất thực hiện ở mọi cấp, ngành và địa phương trên cả nước.
Lâu nay, nguồn lực xã hội hóa vẫn chưa được đánh giá cao và chưa phát huy được hiệu quả, góp phần to lớn hơn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế là bởi còn nhiều hạn chế, rào cản chưa được gỡ bỏ đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều lĩnh vực, ngành hàng dù không thực sự đặc biệt nhưng vẫn nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Nhiều thủ tục để gia nhập thị trường còn nhiêu khê, rắc rối khiến người dân và các hộ gia đình chưa mạnh dạn "bứt phá" để dấn thân và trở thành doanh nghiệp. Nhiều áp lực về thanh kiểm tra và các quy định giám sát còn chặt chẽ, nặng nề khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, thiếu niềm tin.
Ông Thanh bày tỏ, trong bối cảnh mới như hiện nay và nhất là sau những biến chuyển của thời cuộc khi toàn cầu đang phải đối diện với những thách thức về dịch bệnh, về chiến tranh thương mại và những xung đột địa chính trị, công cuộc đổi mới của nền kinh tế Việt Nam cần có sự bứt tốc mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Khu vực kinh tế tư nhân cũng cần phải được đặt ở vị thế xứng tầm và cần con đường đủ rộng và an toàn để tăng tốc phát triển theo hướng bền vững như kỳ vọng.
TTXVN