Tại buổi làm việc với PV, bà Chung Thị Đài, Trưởng phòng GD&ĐT Hậu Lộc cho biết: “Mỗi lần giao ban, không thấy lãnh đạo trường Thành Lộc báo cáo gì về trường hợp này. Chúng tôi sẽ tiến hành lập đoàn thanh tra và xác minh rõ sự việc. Đối với cô Luận, hiệu trưởng nhà trường cần trao đổi và quán triệt. Riêng về sự việc này có thể kiểm điểm cô Luận được rồi. Nếu ban giám hiệu báo cáo kịp thời chúng tôi đã thanh tra, kiểm tra để không xảy ra sự việc này. Chúng tôi sẽ làm việc với giáo viên và ban giám hiệu liên quan đến việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong việc phân công, giám sát quản lý giáo viên tại trường”.
Ngược với ý kiến của bà Chung Thị Đài, ông Vũ Hồng Tuấn chuyên viên phòng GD&ĐT khẳng định: “Sự việc này không có gì mới, anh ấy đi đến đâu cũng bị giáo viên, phụ huynh học sinh nơi đó có ý kiến, phản ánh, chứ không chỉ riêng phụ huynh trường Thành Lộc. Cụ thể, năm học 2010 - 2011, khi đó thầy Thành đang còn dạy học tại trường Tiểu học Văn Lộc, cũng đã có đơn thư của phụ huynh gửi tới chính quyền xã, UBND huyện Hậu Lộc xin được điều chuyển thầy Thành đi giảng dạy tại đơn vị khác. Nếu để thầy Thành ở lại đây sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học hành của các cháu, sau đó thầy Thành bị đẩy xuống dạy tại trường tiểu học xã Minh Lộc”.
Cũng theo ông Tuấn, trước kia khi còn dạy tại trường THCS Thuần Lộc, rồi điều chuyển về dạy trường tiểu học Văn Lộc. Tại đây, nhiều lần cán bộ phòng Giáo dục đi kiểm tra đột xuất có phát hiện việc thầy không giảng bài, năm học đó thầy đã bị Phòng giáo dục xếp loại hạnh kiểm giáo viên yếu. Thầy Thành là giáo viên đầu tiên tại huyện Hậu Lộc bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Sau đó, thầy Thành chuyển biến về chuyên môn nhưng chỉ được thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Nếu thầy Thành không tự thay đổi, nâng cao trình độ năng lực, tu dưỡng nghiệp vụ thì sắp tới cũng bị loại khỏi trong đợt khảo sát tiếng Anh do Sở GD&ĐT tổ chức. Khi đó Sở GD&ĐT sẽ xây dựng phương án điều chuyển hoặc bố trí công việc khác cho phù hợp với chính sách tinh giảm biên chế.
Trường Tiểu học Thành Lộc
Tiếp đến, ngày 16/5 PV có buổi làm việc với ông Ngô Quang Mẫn, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc, được ông cho biết: “Tôi cũng mới nghe sự việc của thầy Thành qua báo chí, ban giám hiệu nhà trường chưa báo cáo gì. Tôi rất băn khoăn việc cô Hiệu trưởng, cũng như ban giám hiệu nhà trường đã nắm bắt thực tế sự việc thầy Thành như báo chí đã phản ánh. Nhưng việc kiểm tra, xử lý nhắc nhở cũng như cả quá trình dài thầy Thành dạy học mà các em chỉ tự chép được 2 mặt giấy, thì chương trình học tại trường như thế nào. Cho thấy việc thiếu cương quyết trong ban giám hiệu hoặc phần nào do nhẫn nại nên mới để xảy ra sự việc như vậy. Sự việc của thầy Thành, cán bộ phòng GD&ĐT huyện đã nắm được từ nhiều năm trước, sao không tham mưu, phản ánh đến lãnh đạo phòng hoặc Chủ tịch UBND huyện để tìm cách xử lý? Đây cũng lỗi của ban giám hiệu các trường nơi thầy Thành đã công tác. Tạo thành thói quen, lối mòn, không thay đổi. Có hay không phòng GD&ĐT đang đùn đẩy trách nhiệm cho các trường để rồi cứ vài năm lại chuyển thầy đi một trường khác?” ông Mẫn nói.
Như trước đó, nhiều phụ huynh có con em đang học tại trường Tiểu học xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bức xúc phản ánh về sự việc thầy giáo Nguyễn Văn Thành, giáo viên dạy tiếng Anh khối 1,2,3 nhiều tháng nay lên lớp không hề giảng bài, không nói chuyện với học sinh, mỗi tiết học thầy chỉ viết tựa đề lên bảng, rồi yêu cầu các em viết đi, viết lại cho hết giờ, còn thầy ngồi nghịch điện thoại. Không những thế, nhiều lần thầy Thành sai các em học sinh ra ngoài cổng mua nước ngọt về lớp uống.
Bà Hoàng Thị Luận, Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Lộc
Được biết, thầy Trần Ngọc Thành (SN 1979) tại thành phố Thanh Hóa, là giáo viên tiếng Anh vừa được chuyển công tác giảng dạy từ trường Tiểu học xã Minh Lộc về trường Tiểu học xã Thành Lộc từ đầu năm học 2018 - 2019.
Không chỉ phụ huynh phản ánh, ngay cả một số giáo viên Trường tiểu học Thành Lộc cũng bức xúc về cách giảng dạy thiếu trách nhiệm của thầy Thành, khi không tuân thủ việc giảng dạy trên lớp theo bảng phân công nhiệm vụ, nhưng vẫn nhận đủ phụ cấp ưu đãi.
“Các con đi học về kể lại, thầy Thành không giảng bài mà chỉ ngồi chơi điện thoại. Mỗi lần có các thầy cô hoặc ban giám hiệu đi ngang qua lớp thì thầy nói, các em làm bài xong chưa? Tình trạng trên diễn ra nhiều tháng qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý cũng như kết quả học tập của học sinh, khiến phụ huynh chúng tôi lo lắng và rất bức xúc. Tất cả những quyển vở của học sinh các khối mà thầy phụ trách từ đầu năm học 2018 – 2019 đến nay, các em chỉ được chép vẻn vẹn 2 tờ giấy”, một phụ huynh học sinh bức xúc nói.
Khi làm việc với PV, bà Hoàng Thị Luận, Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Lộc thừa nhận những nội dung mà phụ huynh và giáo viên phản ánh đến phóng viên là đúng.
“Thầy Thành mới chuyển về đây giảng dạy từ đầu năm học 2018 – 2019. Trước kia, thầy thầy dạy từng dạy tại các trường Tiểu học ở xã Thuần Lộc, Văn Lộc, Minh Lộc. Tôi nghe nói ở ngôi trường nào thầy cũng để lại tai tiếng và ấn tượng không tốt với giáo viên, cũng như phụ huynh học sinh. Thầy Thành về đây là gây khó khăn cho tôi cũng như nhà trường. Những ngày đầu tôi luôn gặp gỡ, động viên để thầy hòa nhập và dạy học tốt. Ban đầu thầy rất nhiệt tình và có trách nhiệm, luôn tham gia các cuộc sinh hoạt đoàn, đội do nhà trường tổ chức, cảm nhận được thay đổi. Nhưng sự tích cực đó chỉ diễn ra được một vài tháng, khoảng thời gian tháng 11/2018 bắt đầu trì trệ, lên lớp không giảng bài. Nhiều lần tôi đi ngang qua lớp thấy thầy ngồi trên bục giảng, ở dưới một số học sinh thì đang chép vài từ tiếng Anh vào tờ giấy. Tôi nhắc thầy về tác phong giảng dạy thì thầy vâng, dạ rồi ngày mai đâu lại vào đấy”, bà Luận nói.
Hiện tại, nhà trường đã tổ chức cuộc họp, làm bản tường trình gửi về phòng GD&ĐT để làm rõ việc giáo viên chủ nhiệm không làm tròn trách nhiệm, không xử lý kịp thời các ý kiến phản ánh của giáo viên trong trường cũng như phụ huynh học sinh, không báo cáo sự việc lên cấp trên để xử lý theo đúng thẩm quyền. Lãnh đạo nhà trường đã có thiếu sót trong công tác quản lý để sự việc xảy ra trong thời gian dài mà không xử lý các cá nhân liên quan.
Lê Nam