Nợ trên toàn cầu đã tăng lên mức 325% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới trong năm 2016, đạt kỷ lục 215 nghìn tỷ USD - một báo cáo do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố mới đây cho biết. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ của các nền kinh tế mới nổi.

Thế giới đang nợ 215 nghìn tỷ USD? - Hình 1

Trong một thập kỷ qua, nợ toàn cầu tăng thêm hơn 70 nghìn tỷ USD, đạt mức cao chưa từng có.

 Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của IIF nói rằng số nợ mà thế giới phải gánh đã tăng thêm 7,6 nghìn tỷ USD trong năm 2016 so với năm trước đó. Vào năm 2015, nợ của thế giới tương đương 320% GDP toàn cầu.

Theo báo cáo, nợ của các nền kinh tế mới nổi đã tăng mạnh lên mức 55 nghìn tỷ USD trong năm ngoái, tương đương 215% GDP. Số nợ của nhóm nền kinh tế này tăng chủ yếu do nợ của các doanh nghiệp phi tài chính.

Trong khối nợ 215 nghìn tỷ USD của thế giới trong năm ngoái, các nước phát triển chiếm 160 nghìn tỷ USD. Số nợ này tương đương 390%, tức lớn gấp gần 4 lần, so với GDP của các nước phát triển.

Báo cáo cho biết, trong một thập kỷ qua, nợ toàn cầu tăng thêm hơn 70 nghìn tỷ USD, đạt mức cao chưa từng có.

Các nền kinh tế mới nổi đã huy động gần 40 nghìn tỷ USD nợ mới trong thập niên từ 2006-2016, tăng mạnh so với mức vay 9 nghìn tỷ USD trong thời gian từ 1996-2006, theo báo cáo. 

Các nhà nghiên cứu của IIF phát hiện thấy rằng số nợ 32 nghìn tỷ tăng thêm của các nước phát triển trong 10 năm qua chủ yếu là nợ chính phủ. Trong đó, nợ công của Mỹ và Anh đã tăng gấp hơn 2 lần. Nợ chính phủ của Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển ở châu Âu, tính theo đồng USD, cũng tăng khoảng 50% trong cùng khoảng thời gian.

Cũng theo báo cáo của IIF, phần lớn mức tăng thêm trong khối nợ của các nền kinh tế phát triển trong năm 2016 là nợ bằng đồng nội tệ. Tính đến cuối năm ngoái, các nền kinh tế phát triển gánh số nợ nội tệ trị giá 48,5 nghìn tỷ USD, so với mức 43 nghìn tỷ USD vào năm 2015.

Thăng Điệp - vneconomy