Mùa hè năm 2018 thực sự là “cơn ác mộng” khủng khiếp với người dân Nhật Bản khi các trận động đất làm rung chuyển hai thành phố Osaka hồi tháng 6 và Hokkaido vào tuần trước.
Một con sóng dữ trong trận bão Jeby tại Nhật Bản.
Đi cùng với động đất, Hokkaido cũng phải đón chịu cơn bão Jeby được ví là siêu bão mạnh nhất 1/4 thế kỷ mang nguy cơ sạt lở, lũ lụt...
Trận động đất ở Hokkaido đã được đo lên tới 7 độ richter. Sau đó, một dư chấn mạnh 5,3 độ richter làm rung chuyển khu vực này, tiếp theo là hàng loạt dư chấn nhỏ hơn kéo dài suốt đêm.
Những bức ảnh cuộc sống đổ vỡ, đảo lộn ở Nhật Bản cũng tương tự những thiệt hại vì thảm họa thiên nhiên ở những nước khác. Nhưng tại đây, người đàn ông và phụ nữ Nhật Bản hàng ngày vẫn đến cơ quan làm việc. Thậm chí có những người kiên nhẫn đi bộ ít nhất một tiếng đồng hồ để tới chỗ làm.
Ở bên ngoài các cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, không có những cảnh cướp bóc, hôi của khiến cảnh sát phải triển khai lực lượng để ổn định an ninh.
Người dân Nhật Bản xếp hàng mua đồ tại Siêu thị sau thảm họa thiên nhiên.
Tại Nhật Bản, ở những siêu thị bắt đầu hoạt động sau các trận động đất, từng đoàn người vẫn kiên nhẫn xếp hàng theo trật tự để chờ mua các đồ dùng cần thiết. Họ cũng mua đúng số lượng xăng tối đa mỗi người có thể mua.
Dù rất đói, rất khát, họ vẫn xếp hàng để chờ được nhận hàng lương thực theo thứ tự. Mọi người chia nhau đồ cứu trợ, động viên nhau.
Các siêu thị của Nhật cũng giảm giá mạnh, thay vì tăng giá trong lúc khó khăn để trục lợi.
Mới đây, truyền hình Nhật Bản đã công bố những hình ảnh cho thấy cảnh người dân xếp hàng sạc điện thoại tại các điểm sạc công cộng miễn phí ở Sapporo do thành phố này bị mất điện sau động đất.
Hồi thảm họa kép động đất- sóng thần xảy ra vào năm 2011, chỉ 3 ngày sau đó, người dân Nhật Bản tiếp tục đón nhận thêm thảm họa kinh hoàng khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát nổ làm sập tòa nhà chứa lò phản ứng, gia tăng lo ngại lõi lò phản ứng bị tan chảy, gây thảm họa phát tán phóng xạ.
Tình hình rất nguy cấp nhưng 50 công nhân đã tình nguyện ở lại cứu nhà máy Fukushima để ngăn chặn tình trạng phóng xạ đang lan tràn, bất chấp việc làm này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.
"Chồng tôi ở lại dù biết anh ấy có thể nhiễm bụi phóng xạ. Anh ấy gửi thư điện tử cho tôi để nói rằng hãy cố gắng sống tốt, vì anh ấy phải vắng nhà một thời gian", một phụ nữ Nhật chia sẻ cảm xúc trên ABC News.
Đài truyền hình Nhật Bản cũng từng công bố nội dung thư điện tử của một cô con gái nói về bố mình: "Cha tôi vẫn đang làm việc trong đó. Ông và các đồng đội không còn thức ăn. Tình hình rất khó khăn. Cha tôi nói ông chấp nhận số phận".
Mẹ của một trong số những công nhân cũng tiết lộ: "Con trai tôi và đồng nghiệp của nó đã nói nhiều tới cái chết và bản thân họ đã chấp nhận điều này nếu cần để bảo vệ đất nước" - người mẹ tâm sự.
Trong lúc đối mặt với thảm họa kinh hoàng, những người âm thầm hy sinh này được tôn vinh là những samurai cảm tử thời hiện đại..
50 công nhân đã tình nguyện ở lại cứu nhà máy Fukushima
Sự quyết tâm và ý chí của Nhật Bản trong việc tái thiết đất nước sau động đất, sóng thần cũng là điều khiến quốc tế cảm phục.
Sự kiên cường nổi tiếng của người Nhật Bản đã được chứng minh trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Họ thường sử dụng khẩu hiệu "shikata ga nai" hay "sho ga nai", tạm dịch là “không thể giúp được gì” hay “không còn cách nào khác”.
Người Nhật vững vàng khôi phục đất nước sau thảm họa.
Nhiều người cho rằng, thảm họa lớn tại Nhật Bản hiếm khi xảy ra lặp lại cùng một vị trí với cùng một cấp độ, nên ngày càng nhiều người Nhật Bản tin rằng họ có thể sẽ không phải đối mặt với bất kỳ thảm họa lớn nào trong cuộc đời nếu như thảm họa đó đã từng xảy ra ở nơi họ sống.
Điều đó khiến tinh thần của họ trở nên lạc quan hơn bao giờ hết.
Theo Baodatviet