Mới đây, Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (Mã chứng khoán: TAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý đầu tiên niên độ tài chính 2018 - 2019 với các chỉ tiêu kinh doanh đều đi xuống.
Cụ thể, doanh thu bán hàng đạt 981 tỷ đồng, giảm hơn 7%; giá vốn bán hàng chiếm tới hơn 88% doanh thu khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn 107 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu lao dốc, các khoản chi phí bao gồm chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng có giảm nhưng vẫn ở mức cao đã dẫn tới việc công ty thu không đủ bù chi.
Tuy nhiên, công ty đã giảm chi phí tài chính (chủ yếu lãi vay) từ 7,3 tỷ đồng xuống còn 160 triệu đồng.
Lý giải về việc thua lỗ sau sát nhập, ban lãnh đạo công ty cho rằng, do thông tin thị trường liên quan đến thương vụ M&A này đã gây ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của khách hàng. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh thu sụt sảm, kéo theo thua lỗ.
Tổng lỗ quý đầu tiên trong kỳ kế toán này mà Trần Anh ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh là xấp xỉ 6 tỷ đồng. Với khoản lỗ này, đến cuối tháng 6/2018, lỗ lũy kế của công ty tiến sát mức 60 tỷ đồng.
Tổng tài sản của công ty tính đến ngày 30/6/2018 là 928 tỷ đồng, giảm gần 260 tỷ so với thời điểm đầu niên, chủ yếu nhờ giải phóng hàng tồn kho. Khoản mục này đang chiếm gần 68% cơ cấu tài sản công ty, trong đó phần lớn là thiết bị điện lạnh, gia dụng và kỹ thuật số điện tử.
Được biết, sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, Hội đồng quản trị Trần Anh đã chính thức thông qua phương án mua lại 180.634 cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông khi công ty thực hiện hủy niêm yết.
Tuy nhiên, Trần Anh mới chỉ mua được 14.300 cổ phiếu do số lượng cổ phiếu TAG cổ đông đặt bán ít và giá đặt bán cao hơn mức giá tối đa công ty được phép mua theo quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC.
Ngọc Linh