ngày 15/11, sở NN&PTNT TP. HCM chủ trì cuộc Hội thảo “Liên kết  nâng cáo sức cạnh tranh của sản phẩm cá sấu“ đã chỉ rõ vấn đề vì sao giá sản phẩm từ cá sấu giảm mạnh, do phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

Các cơ sở nuôi, DN cá sấu thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành này. Nhiều đại diện các DN nhận định, giá cá sấu rớt thảm hại và trồi sụt khá lớn không phải do cung - cầu, mà do vấn đề thu mua.

“Mấy năm qua, các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, vào mua cá sấu sống và sản phẩm từ da cá sấu của Việt Nam ngày càng nhiều. Không cần qua đầu mối trung gian là người Việt như trước đây, họ đến từng hộ nông dân, DN nhỏ để mua trực tiếp. Từ đó, các thương lái Trung Quốc đã chủ động kiểm soát, khống chế giá cá sấu và “hạ gục” các đầu mối trong nước. Hiện nay, mọi chuyện, các đầu mối trong nước phải bàn trước với họ và để họ quyết định”, đại diện một DN cho biết.

Từ năm 2014, khi cơn sốt ảo đẩy giá cá sấu lên cao, khiến người dân và các DN chăn nuôi nhỏ lẻ tăng số lượng đàn nuôi. Vì vậy, lượng cung cấp ra thì trường tăng vọt. Nắm được tình hình đó, thương lái Trung Quốc quay lại o ép và đánh tụt giá xuống chỉ còn từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng/kg

Đối với việc xuất khẩu các sản phẩm da cá sấu muối cho các nước châu Âu, Nhật Bản, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các DN cho hay khi nắm được tình trạng tồn kho da cá sấu lớn và thiếu liên kết của các công ty Việt, các đối tác nước ngoài săm soi - chê bai da xấu để hạ chất lượng xuống loại 2 (giá bán giảm 20%) hoặc loại 3 (giảm 40%).

“Trong giai đoạn này, các công ty, nông dân Việt đã mất thế chủ động. Giá cá sấu hầu như được quyết định từ bên ngoài”, đại diện một công ty xuất khẩu cá sấu than thở.

Chính vì các thương lái o ép giá, thị trường phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc, vậy nên các cơ sở nuôi và DN đề nghị thành lập Hiệp hội Cá sấu Việt Nam. Qua đó, có tiếng nói chung và bảo vệ ngành chăn nuôi trước sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo kẽ hở cho thương lái nước ngoài ép giá. Đồng thời, các DN cũng kiến nghị cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn, tuyệt đối không được để thương lái Trung Quốc thu mua trực tiếp từ nông dân và làm giá, gây ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều DN cũng cảnh báo việc cạnh tranh giữa các DN trong nước với nước ngoài sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong bối cảnh hội nhập. Bởi theo tiến trình giảm thuế mà nước ta cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực, các sản phẩm cá sấu của Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… sẽ tràn vào Việt Nam.

Nếu không có chiến lược xây dựng thương hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cá sấu trong nước thì chúng ta sẽ mất thị phần ngay tại thị trường nội địa là tất yếu.

DN nuôi cá sấu trong nước cần có bộ phận chuyên trách về marketing sản phẩm ra thế giới. Bởi với việc xây dựng được các DN sở hữu thương hiệu mạnh - sẽ giúp thương hiệu cá sấu Việt Nam có uy tín trên thương trường quốc tế. Song song đó, phải đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, chứ không nên lệ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.

 H.Long