Năm 2015, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ khởi sắc hơn so với 2014 nhưng vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ.
Khá nhiều thuận lợi
Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu 2014 chỉ đạt 3,3%. Lạm phát tiếp tục ở mức thấp và ổn định. Giá cả những mặt hàng hóa cơ bản vẫn theo xu hướng giảm. Đặc biệt, giá dầu thô giảm cũng đem lại những lợi ích nhất định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường tài chính thế giới được dự báo ổn định.
Tại Việt Nam, chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2015 tiếp tục đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh cùng với việc triển khai đàm phán các hiệp định mậu dịch tự do. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa đồng bộ và cẩn trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực ngân hàng và các DNNN. Kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và có mức phục hồi cao hơn trong 2015, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng cao hơn.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với việc tín nhiệm quốc gia được nâng hạng cùng những tác động tích cực từ các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) đã triển khai thời gian qua, cơ chế, chính sách cổ phần hóa gắn liền với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK cũng như các giải pháp nâng hạng, TTCK Việt Nam 2015 được dự báo sẽ có mức tăng trưởng hơn về quy mô, thanh khoản; khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu cũng sẽ tiếp tục được mở rộng; dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được dự báo cũng sẽ có sự cải thiện nếu như tỷ lệ sở hữu được nới lỏng và chính sách tiền tệ, tài chính được linh hoạt hơn.
Không ít khó khăn
Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam sẽ chịu tác động, ảnh hưởng dự báo kinh tế toàn cầu 2015 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thương mại toàn cầu vẫn yếu, biến động thị trường tài chính toàn cầu khi lãi suất tại một số nước phát triển tăng; giá dầu thô thấp gây khó khăn cho một số quốc gia sản xuất dầu; lạm phát thấp hoặc giảm phát tại khu vực đồng Euro và Nhật Bản. Thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ bị đánh giá có những rủi ro bong bóng tài sản...
Mặt khác, hoạt động cấu trúc lại và đổi mới của khu vực DN Việt Nam diễn ra chậm, nhất là nâng cao công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực khiến sự phục hồi của DN còn khó khăn.Tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2014 chỉ chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm gần 70%.
Điều đáng nói, việc xử lý nợ xấu ngân hàng và tái cấu trúc DNNN vẫn còn nhiều thách thức, sở hữu chéo chưa được giải quyết triệt để. Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm lại nhưng chưa thực sự khởi sắc.
Ngoài ra, việc cắt giảm các chương trình nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất của các quốc gia lớn, có thể ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Để tận dụng những cơ hội và đẩy lùi thách thức, năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển theo chiều sâu và công tác tái cấu trúc TTCK. Chú trọng tăng cường minh bạch trên thị trường và xây dựng phát triển các sản phẩm mới; triển khai một bước căn bản các điều kiện cho hoạt động của TTCK phái sinh. Tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng TTCK cũng là mục tiêu tối quan trọng.
Tú Hà