Trên đà phục hồi

Năm 2021 chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang xu hướng thích ứng an toàn với Covid-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế, Theo đó, giá khí đốt tăng gấp 3 lần từ đầu năm, giá dầu mỏ tăng hơn 40%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 và giá than tăng khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân.

Năm 2021, tốc độ phục hồi của các công ty kinh doanh xăng dầu đã bị chậm lại trong nửa cuối năm do sự bùng phát của biến thể Delta. Sau khi giảm mạnh vào năm 2020, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính tổng vốn đầu tư vào các hoạt động thượng nguồn trên toàn cầu sẽ tăng 8% trong năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Trong bối cảnh này, chính phủ nhiều nước đã thực hiện một số biện pháp trong ngắn hạn nhằm giải quyết tạm thời tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Trong tháng 11/2021, các nước tiêu thụ dầu lớn do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu.

Về phía nguồn cung, giá được hỗ trợ bởi OPEC+ vẫn thận trọng trong việc tăng sản lượng cùng với sự phục hồi chậm của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc thiếu hụt các khoản đầu tư mới trong nhiều năm khiến việc tăng sản lượng khai thác dầu gặp nhiều khó khăn.

Trong thực tế, mức độ tuân thủ cam kết sản lượng của OPEC+ đã tăng lên 116% trong tháng 11, từ mức 113% vào tháng 10, cho thấy tổ chức này đã không thể cung cấp đủ dầu ra thị trường theo thoả thuận.

Sản lượng khai thác dầu thô ảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19
Sản lượng khai thác dầu thô ảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Ảnh: PVOil.

Tại Việt Nam năm 2021, tổng sản lượng khai thác dầu khí ước tính giảm 12,7% so với cùng kỳ xuống 18,4 triệu tấn quy dầu. Nhìn xa hơn, sản lượng khai thác dầu trong nước liên tục sụt giảm với tốc độ kép là 10,8% kể từ năm 2015. Hiện tại, Việt Nam còn khoảng 50% trữ lượng dầu khí chưa được khai thác, trong đó trữ lượng khí chiếm khoảng 60-70%.

Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030 cho thấy sản lượng khai thác khí dự kiến sẽ vượt sản lượng dầu thô trong giai đoạn 2021-2025 với mức sản lượng trung bình là 11,1 tỷ m3/năm.

Theo Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia, Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho cả nhập khẩu và tiêu thụ, biến các nhà máy điện khí thành nguồn cung cấp điện quan trọng cho đến năm 2030 (chiếm 23% tổng công suất hệ thống năm 2030 từ mức 12% hiện tại).

Theo kế hoạch, kho cảng LNG Thị Vải sẽ được hoàn thành trong nửa cuối năm 2022, đánh dấu một trong những dự án liên quan đến LNG đầu tiên được đưa vào hoạt động tại Việt Nam. LNG Thị Vải sẽ bổ sung nguồn cung khí cho các khách hàng tại khu vực Đông Nam Bộ, trước khi cung cấp cho hai nhà máy điện khí mới tại Nhơn Trạch vào cuối năm 2023.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 100,9 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch.

Tuy nhiên hiện nay, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã phủ bóng lên thị trường dầu thô toàn cầu vì nó có thể hạn chế các hoạt động đi lại và gây cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu.

Thị trường còn nhiều dư địa

Năm 2021, tốc độ phục hồi của các công ty kinh doanh xăng dầu đã bị chậm lại trong nửa cuối năm do sự bùng phát của biến thể Delta. Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect, thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022.

Theo VNDirect, thị trường xăng dầu trong nước sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu đi lại của người dân và hoạt động sản xuất của Việt Nam phục hồi từ quý 4/2021 trở đi khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và mức tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tính theo đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng nhu cầu ô tô sẽ nhanh chóng phục hồi khi đại dịch được kiểm soát từ quý 4/2021, mang lại lợi ích cho các nhà phân phối xăng dầu lớn.

Theo Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030, Chính phủ dự kiến nhu cầu xăng dầu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5%/năm trong cùng thời kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,3%/năm.

Đáng chú ý, do tổng lượng xăng dầu tồn kho tăng mạnh do tiêu thụ nội địa sụt giảm trong quý 3/2021, VNDirect cho rằng điều này giúp các đơn vị phân phối xăng dầu cải thiện tỷ suất LNG trong quý sắp tới trong bối cảnh giá bán lẻ xăng dầu đang có xu hướng tăng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh xăng dầu thay thế cho Nghị định 83, trong đó có một số thay đổi quan trọng mà theo VNDirect, sẽ giúp các nhà phân phối xăng dầu giảm bớt tác động tiêu cực của việc giảm giá hàng tồn kho trong trường hợp giá dầu thế giới sụt giảm mạnh như 6 tháng đầu năm 2020.

Hầu hết các mỏ hiện hữu tại Việt Nam đã ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, với sản lượng suy giảm tự nhiên 15-25% mỗi năm.VNDirect cho rằng, khai thác khí tự nhiên sẽ là điểm sáng tại Việt Nam nhờ các dự án khổng lồ trong một vài năm tới. Theo đó, Dự án Ô Môn III với tổng vốn đầu tư cho dự án phát triển mỏ và dự án đường ống dẫn khí lần lượt là 6,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD, nếu được phê duyệt vào năm tới sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam trong dài hạn.

Tuy nhiên, VNDirect cũng chỉ ra một số trở ngại chính liên quan đến việc phát triển các dự án LNG tại Việt Nam. Theo đó, rủi ro từ việc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cũng như sự thiếu ổn định của giá LNG. Các sự kiện toàn cầu như cuộc khủng hoảng khí đốt gần đây có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh tế của các dự án liên quan đến LNG ở Việt Nam. Thêm vào đó là việc các quy định chưa rõ ràng về việc quyết toán của các dự án LNG tích hợp liên quan đến giá bán khí và giá bán điện có thể dẫn đến việc các dự án tiếp tục bị chậm tiến độ.

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, VNDirect cũng cảnh báo về những rủi ro chính đối với ngành dầu khí Việt Nam. Đó là việc giá dầu thấp hơn dự kiến do việc giá dầu giảm sẽ cản trở sự phục hồi nền tảng cơ bản của ngành. Các dự án lớn tiếp tục bị trì hoãn do vấn đề thiếu nguồn lực tài chính có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong những năm tới. Cùng với đó là việc đại dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam.

Hưng Khánh