Giá cà phê thu mua đồng loạt giảm

Các sàn giao dịch cà phê quốc tế đóng cửa tuần trước với các phiên giảm giá robusta, tăng giá arabica. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước bằng phiên sụt giảm thứ năm liên tiếp; giá giao tháng 1/2021 giảm tiếp 18 USD/tấn (0,36%) so với chốt phiên trước đó, hiện đứng ở 1.310 USD/tấn; giá giao tháng 3/2021 cũng giảm mạnh 18 USD/tấn (1,35%), giao dịch ở 1.318 USD/tấn.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 2,6 Cent (2,15), lên 123,7 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 2,65 Cent (2,15%), lên 125,75 Cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê thu mua đồng loạt giảm
Giá cà phê thu mua đồng loạt giảm.

Trong bối cảnh nguồn cung và cầu đều giảm trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, giá cà phê arabica tại New York đã bật tăng trở lại với báo cáo sản lượng cà phê của Colombia năm 2020 chỉ đạt 13,9 triệu bao, giảm 6% so với năm trước hay quan ngại về sản lượng cà phê của Brazil vụ tới. Tình hình cho thấy, trong thời gian tới, bất kỳ thông tin nào liên quan đến cung cầu đều có ảnh hưởng mạnh tới giá cả trên các sàn giao dịch.

Dự báo sản lượng hồ tiêu giảm mạnh trên toàn cầu được coi như tin tốt, bởi thị trường đã thoát khỏi tình trạng dư cung đeo đẳng mấy năm qua. (Nguồn: Timesofindia)

Trong khi đó, một nguồn cung cà phê rất đáng chú ý là Jamaica lại đang có những chuyển biến lớn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Jamaica - Floyd Green đang đặt mục tiêu mở rộng phạm vi thương hiệu Jamaica Blue Mountain Coffee ra thị trường quốc tế. Song song đó là tiếp tục gia tăng sản lượng tại địa phương.

Ông Green cho biết, Bộ này sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các bên liên quan làm việc chặt chẽ với nhau, bao gồm Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu cà phê Jamaica (JCEA), Cơ quan Quản lý Hàng hóa nông nghiệp Jamaica (JACRA) và Công ty Jamaica Promotion Corporation (Jampro).

Xuất khẩu cà phê Jamaica vào năm 2020 ghi nhận mức tăng 12%. Trong thời gian tới, quốc gia này sẽ tăng cường xuất khẩu và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 31% vào năm 2025. Hiện Nhật Bản là nhà nhập khẩu cà phê Jamaica lớn nhất, chiếm khoảng 70% sản lượng cà phê xuất khẩu của nước này, theo Jamaica Observer.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê hôm nay dao động trong khoảng từ 31.300 - 33.100 đồng/kg. Trong tuần qua, thị trường cà phê biến động mạnh, các địa phương đồng loạt giảm từ 1.000 - 1.400 đồng/kg. Tỉnh Kon Tum giảm 1.000 đồng/kg xuống mốc 31.700 đồng/kg. Cùng giảm 1.200 đồng/kg, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông ghi nhận khoảng giá từ 31.300 - 31.700 đồng/kg. Tương tự, TP. Hồ Chí Minh giảm 1.400 đồng/kg, hiện thu mua tại ngưỡng 33.100 đồng/kg.

Giá hồ tiêu có triển vọng

Giá hồ tiêu thế giới ghi nhận vào phiên đóng cửa thị trường gần nhất, giao ngay tại sàn trực tuyến Kochi (Ấn Độ) duy trì ổn định ở mức 133,35 Rupee/tạ (0,38%), giao dịch ở 34.666,65 Rupee/tạ.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 7/1 - 13/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,14 VND/INR.

Thị trường hồ tiêu tuần này ghi nhận biến động trái chiều. Tại thị trường nội địa, tiêu đen Malabar được báo cáo thâm hụt 1% xuống mốc 4.494 USD/triệu tấn, theo International Pepper Community.

Trong khi đó, giá tiêu đen và tiêu trắng của Indonesia cùng tăng 1%, lần lượt đạt ngưỡng trung bình là 2.508 USD/triệu tấn và 4.157 USD/triệu tấn.

Giá hồ tiêu có triển vọng
Giá hồ tiêu có triển vọng.

Tại Malaysia, tiêu đen và tiêu trắng cũng tăng 1% trong tuần này, giao dịch với mức tương ứng là 2.332 USD/triệu tấn và 3.822 USD/triệu tấn.

Tương tự, hạt tiêu đen Sri Lanka được báo cáo tăng 2% so với tuần trước, hiện được thu mua quanh mốc trung bình là 2.849 USD/triệu tấn.

Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu tuần này giảm mạnh tại các địa phương chủ chốt. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước cùng giảm 1.500 đồng/kg xuống khoảng từ 52.000 - 53.000 đồng/kg. Tương tự, Gia Lai và Đồng Nai lần lượt giảm 2.500 đồng/kg và 3.000 đồng/kg, hiện ghi nhận mốc 50.000 đồng/kg.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2020 cả nước xuất khẩu khoảng 286.000 tấn, với kim ngạch ước đạt 663 triệu USD, tăng 0,6% về lượng nhưng giảm 7,2% về giá trị so với năm 2019. Theo khảo sát, sản lượng hồ tiêu Việt Nam 2021 có thể giảm từ 25 - 30% so với năm 2020. Như vậy, dự báo sản lượng hồ tiêu giảm mạnh trên toàn cầu được coi như tin tốt, bởi thị trường đã thoát khỏi tình trạng dư cung đeo đẳng mấy năm qua. Yếu tố này khiến giá tiêu có triển vọng tăng trưởng cao trong năm 2021.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp các địa phương có thể được yêu cầu thống kê đầy đủ thực tế về diện tích hồ tiêu bị chết do sâu bệnh, cằn cỗi, năng suất thấp, chuyển đổi sang cây trồng khác và thực tế tổng diện tích hồ tiêu hiện nay tại các tỉnh.

Trúc Mai