Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Thời gian qua, trên thị trường, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, nhưng vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm dẫn tới nhiều rủi ro cho người mua trái phiếu.
"Nếu trái phiếu của tổ chức phát hành có đơn vị bảo lãnh thanh toán thì tính an toàn sẽ cao hơn rất nhiều so với trái phiếu không có bảo lãnh thanh toán. Ngược lại, với trái phiếu có bảo lãnh, lãi suất thấp hơn với trái phiếu không có bảo lãnh", TS. Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SMART INVEST, cho hay.
Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng qua đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm tới 94,5%. Phát hành lớn nhất là các tổ chức tín dụng, chiếm 34% và doanh nghiệp bất động sản chiếm 27,7%.
Trong 300 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, có gần 2/3 có tài sản đảm bảo, chiếm 50,9%, với tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.
"Khi thị trường có biến động hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn khiến doanh nghiệp không trả được nợ, bản thân giá trị doanh nghiệp cũng suy giảm. Lúc đó tài sản đảm bảo không còn ý nghĩa và nhà đầu tư có thể sẽ bị mất tiền", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết.
Nhiều người đã lầm tưởng việc mua trái phiếu doanh nghiệp qua các ngân hàng sẽ an toàn do được ngân hàng bảo lãnh.
"Các ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ bán hộ. Họ chỉ bảo lãnh phát hành chứ không bảo lãnh thanh toán nên rủi ro rất cao với nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp phá sản thì nhà đầu tư sẽ mất vốn", TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhận định.
Bộ Tài chính cũng khuyến cáo, các đơn vị phân phối trái phiếu doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ, hưởng phí từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm thẩm định, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, nên không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.
Trúc Mai