Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thì, hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được.
“Tuy nhiên nếu bệnh nhân vẫn đến thì bệnh viện vẫn tiếp nhận và sắp xếp để đủ hóa chất sẽ mổ. Sau khi bệnh viện công bố dừng mổ phiên thì lượng bệnh nhân đến không tăng. Hằng ngày lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức khám không nhiều như Bệnh viện Bạch Mai vì ở đây mổ là chính, bệnh nhân đến đây đã được lọc qua các bệnh viện tuyến dưới. Hiện nay bệnh viện vẫn hoạt động bình thường”.
Trường hợp bệnh viện công bố dừng mổ phiên nhưng bệnh nhân vẫn đến bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về tình hình của bệnh viện nếu bệnh nhân chấp nhận ở lại chờ thì bệnh viện sẽ thu xếp lịch mổ khi có hóa chất, vật tư y tế. “Nếu bệnh nhân đi nơi khác là quyền của họ”, GS Giang nói.
Lý giải về việc thiếu hóa chất ảnh hưởng tới công tác điều trị, theo ông Giang, từ năm 2015, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm rất khó khăn (riêng máy móc xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng).
Về giải pháp, từ năm 2015, bệnh viện đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên năm 2022, lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn. Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 05/11/2022. Chính vì vậy bây giờ bệnh viện không còn hóa chất để làm, dù cũng đặt ra nhiều phương án khác để xử lý tuy nhiên “bất khả thi” vì các quy định hiện hành.
Ông Giang thông tin thêm, dự kiến nếu thuận lợi trong việc mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất trong thời gian tới thì sớm nhất khoảng một tháng nữa, việc mổ phiên có thể trở lại thường quy.
Hiện có rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng ba, nhưng tất cả đều phải hoãn lại. Khi nghe thông báo hoãn mổ, nhiều bệnh nhân rất tâm tư và lo lắng, nhưng bác sỹ cũng không thể làm khác được.
Một số bác sỹ cho biết nhiều bệnh nhân mổ phiên dù là các phẫu thuật không mang tính cấp cứu nhưng đã phải chờ cả tháng mới đến lượt nhập viện và mổ. Với những trường hợp thuộc diện mổ phiên nhưng phải hoãn mổ, nếu người bệnh tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sỹ thì tình trạng bệnh sẽ tạm thời ổn định. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ có khả năng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, từ 1 tổn thương có thể tăng lên 3-4 tổn thương.
Tổng kết năm 2022, các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ gần 80.000 ca, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu.
Thiên Trường (T/h)