1. Thời gian tối đa doanh nghiệp được phép tạm ngừng kinh doanh là bao lâu?

Căn cứ khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quy định về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh như sau:

- Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.

- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá 01 năm.

Như vậy, doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh tối đa mỗi lần là 01 năm.

Pháp luật không quy định về giới hạn số lần được đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo thực hiện đăng ký tạm ngừng theo đúng quy định pháp luật.

>> Xem thêm: Năm 2024, hộ kinh doanh được tạm ngừng kinh doanh trong bao lâu?

Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024]

tạm ngừng kinh doanh

Doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh tối đa mỗi lần một năm (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

2. Doanh nghiệp không đăng ký tạm ngừng kinh doanh bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 50 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký tạm ngừng kinh doanh như sau:

- Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tổ chức (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Như vậy, nếu doanh nghiệp không đăng ký tạm ngừng kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng và buộc phải thông báo về thời gian và thời hạn tạm ngừng kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Tạm ngừng kinh doanh doanh nghiệp có cần phải nộp hồ sơ khai thuế không?

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, quy định quản lý thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.

Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

2. Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:

a) Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

c) Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

d) Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

Như vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp tạm ngừng kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ quyết toán.

N. T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)