Đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu câu hỏi: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, vấn đề hạn chế thấp nhất việc thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa hết sức quan trọng. Xin thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã triển khai và thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 đến nay như thế nào? Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nhiều thông tư hướng dẫn để làm cơ sở pháp lý khuyến khích không dùng tiền mặt, như ban hành bộ tiêu chuẩn về thẻ chip nội địa ATM, tiêu chuẩn về QRCode...
Cơ sở hạ tầng, công nghệ cho thanh toán không dùng tiền mặt đang được cải thiện. Đến cuối tháng 8 năm nay, số máy POS đã tăng hơn 23% so với cuối năm 2016. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được đảm bảo an toàn, số lượng và giá trị giao dịch 8 tháng đầu năm đã tăng tương ứng 28% và 30% so với cùng kỳ 2017.
Thống đốc cho biết, các giao dịch thực hiện qua các phương thức thanh toán mới đã tăng trưởng mạnh. Cụ thể 8 tháng đầu năm thanh toán qua Internet tăng 48% về số lượng và 27,7% về giá trị so với 2017; thanh toán qua điện thoại di động cũng tăng mạnh.
Trong khu vực công, thanh toán không dùng tiền mặt được mở rộng. đến cuối tháng 8/2018 hệ thống điện tử liên ngân hàng kết nối với hệ thống thuế, kho bạc 63 tỉnh, thành phố.
Tiếp tục phần trả lời chất vấn trong sáng nay 1/11/2018, liên quan tới vấn đề xử lý ngân hàng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém "có chậm như đại biểu nêu".
Theo Thống đốc, do trong quá trình định giá lại các ngân hàng này, gồm việc đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư cần thời gian. Trên cơ sở cam kết của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện báo cáo chi tiết phương án cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.
Về giải quyết nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, sau một năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, hiện cơ quan chức năng xử lý được 140.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng, trong đó Công ty quản lý tài sản VAMC xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các nhà băng. Tỷ lệ nợ xấu giảm, năm 2016 là 10,08%; năm 2017 là 7,7% và hết tháng 6/2018 khoảng 6,7%.
T.Nguyên