Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân.

Thủ đoạn hoạt động phạm tội mới

Trước đó, ngày 11/09/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân (sinh năm 1984, trú phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa); đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can đối với 03 nhân viên thuộc cấp đồng phạm với hành vi của Lê Thị Hồng Vân.

Quá trình điều ra mở rộng vụ án, sau khi có đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 17/11/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Thị Minh (sinh năm 1987, trú tại xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa) và Trần Văn Ba (sinh năm 1980, trú tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” quy định tại khoản 3, Điều 348, Bộ luật Hình sự. Quyết định trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê chuẩn. Nâng tổng số bị can trong vụ án đã bị khởi tố là 06 đối tượng.

Cơ quan An ninh điều tra xác định, khoảng giữa năm 2021, Lê Thị Hồng Vân - là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển giáo dục PPV và Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Apple nắm được thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các Trung tâm Ngoại ngữ liên kết với các cơ sở giáo dục (trường, nhóm trẻ, lớp học tư thục…) để dạy tiếng Anh cho học sinh nên đã sử dụng 02 Công ty do Vân đứng tên để làm hồ sơ, thủ tục bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cho thuê lại nhằm hưởng lợi.

Sẵn có mối liên hệ với Trần Thị Minh, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông và giáo dục Global và Trần Văn Ba, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Hoàng Hà (do trước đó cả Minh và Ba đều thuê lại người nước ngoài để giảng dạy tại Trung tâm ngoại ngữ do Minh và Ba thành lập, quản lý) nên Vân đã liên hệ để bàn, thống nhất với Minh và Ba kế hoạch bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam (hoặc chuyển đổi từ Công ty khác trong nước sang Công ty của Minh và Ba) rồi Vân sẽ quản lý, sử dụng danh nghĩa Công ty của Minh và Ba ký “Hợp đồng hợp tác” với các đơn vị khác nhưng bản chất là đem số giáo viên nước ngoài cho thuê lại dạy tiếng Anh để hưởng lợi.

Để có thể mời, bảo lãnh được cho số người nước ngoài nêu trên với lý do vào làm việc tại 02 Công ty của Minh và Ba, Lê Thị Hồng Vân đã tư vấn cho người nước ngoài sau khi nhập cảnh sẽ đảm bảo số giờ dạy cho mỗi người trong một tháng từ 80 - 100 giờ; đồng thời, Vân lập hồ sơ giải trình khống khống hoạt động của Công ty Global của Minh và Công ty Hoàng Hà của Ba, nâng số liệu trong văn bản giải trình lên nhiều lần so với thực tế hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ thuộc 02 Công ty trên để hợp thức hóa lý do cần sử dụng số lượng lớn người nước ngoài.

Căn cứ vào hồ sơ giải trình khống nêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã tham mưu và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài của 02 Công ty và cấp Giấy phép lao động cho 44 người nước ngoài đã được chấp thuận.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân.

Mặc dù biết được việc này, nhưng Trần Văn Ba và Trần Thị Minh vẫn đồng ý cho Vân sử dụng danh nghĩa Công ty để bảo lãnh và chuyển đổi người nước ngoài; ngoài ra, Ba và Minh còn giúp Lê Thị Hồng Vân ký xác nhận, hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, hợp đồng lao động của người nước ngoài; sau khi người nước ngoài nhập cảnh, Ba và Minh tiếp tục giúp Lê Thị Hồng Vân ký kết các hợp đồng hợp tác do Vân móc nối với các cơ sở giáo dục có nhu cầu thuê lại người nước ngoài được bảo lãnh từ 02 Công ty Hoàng Hà và Công ty Global của Ba và Minh.

Đáng chú ý, trong số người nước ngoài do Công ty của Ba và Minh bảo lãnh, có nhiều trường hợp không đủ điều kiện dạy tiếng Anh tại Việt Nam như: Không có bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh, giấy tờ không được hợp pháp hóa… Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, vì thấy lợi nhuận trước mắt nên Lê Thị Hồng Vân cùng 03 đồng phạm khác tổ chức làm giả các tài liệu, giấy tờ cho người nước ngoài để qua mắt cơ quan chức năng, đảm bảo điều kiện nhập cảnh rồi cho nhiều đơn vị giáo dục thuê lại (trong đó chủ yếu là các cơ sở giáo dục như Trung tâm ngoại ngữ, trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh thuê lại và sử dụng).

Lê Thị Hồng Vân là “bà trùm” cho thuê giáo viên người nước ngoài với quy mô số lượng lớn nhất tại Thanh Hóa từ trước đến nay.
Lê Thị Hồng Vân là “bà trùm” cho thuê giáo viên người nước ngoài với quy mô số lượng lớn nhất tại Thanh Hóa từ trước đến nay.

Vấn đề này đặt ra nhiều câu hỏi cho chất lượng giáo dục của nhiều trung tâm tiếng Anh, các trường học trên địa bàn của tỉnh, cần phải xem xét, đánh giá lại.

Được biết, Lê Thị Hồng Vân là “bà trùm” cho thuê giáo viên người nước ngoài với quy mô số lượng lớn nhất tại Thanh Hóa từ trước đến nay.

Tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội

Thời gian qua, Thanh Hóa với sự phát triển toàn diện mạnh mẽ về kinh tế, xã hội - đã trở thành môi trường lý tưởng trong thu hút người nước ngoài đến làm việc trên nhiều lĩnh vực như lao động, giáo dục, y tế… Cùng với sự phát triển chung của xã hội, vai trò của ngành giáo dục trở nên đặc biệt được coi trọng và là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, việc Lê Thị Hồng Vân cùng các đồng phạm, bất chấp các quy định của pháp luật, xem nhẹ trình độ, chất lượng để tuyển ồ ạt số lượng lớn giáo viên người nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục, nhất là chất lượng tại các trung tâm ngoại ngữ, cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thuê lại giáo viên của Vân.

Thông qua hoạt động bảo lãnh người nước ngoài của Lê Thị Hồng Vân, đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội - tiềm ẩn, cần sự vào cuộc, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, lao động, giáo dục của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

Đây là thủ đoạn hoạt động phạm tội mới của loại tội phạm này, rất khó phát hiện và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra trong công tác đấu tranh chống tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh và giáo dục, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác minh, khởi tố, điều tra vụ việc một cách nhanh chóng để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Đây cũng là vụ án đầu tiên trên toàn quốc liên quan đến hoạt động của người nước ngoài với quy mô lớn trên lĩnh vực giáo dục do Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức đấu tranh, triệt phá và khởi tố, điều tra, quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục trên địa bàn tỉnh trong sạch và đảm bảo chất lượng theo chính sách của Đảng và Nhà nước đặt ra trong những năm qua.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân.

Qua điều tra vụ án cho thấy, tình trạng người nước ngoài nhập cảnh ồ ạt và hoạt động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa được kiểm soát chặt chẽ; các cấp, các ngành còn đơn phương trong công tác quản lý, đặc biệt là trên lĩnh vực giáo dục để các đối tượng lợi dụng sơ hở chính sách liên kết giáo dục thực hiện hành vi phạm tội (mặc dù nhiều đơn vị giáo dục ở các huyện trong tỉnh thuê lại người nước ngoài để giảng dạy nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước không có hướng dẫn kịp thời hoặc không nắm bắt được thực trạng hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn); công tác quản lý đầu vào của người nước ngoài không được quan tâm đúng mức, việc xác định nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn còn nhiều thiếu sót; công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm sau khi người nước ngoài nhập cảnh và hoạt động chưa thật sự đem lại hiệu quả.

Ngoài các đối tượng đã bị xử lý, Cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra và làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định đối với các đơn vị sử dụng lao động từ Lê Thị Hồng Vân, Trần Văn Ba, Trần Thị Minh và các đồng phạm khác.

Hoài Thu