Ngày 11/6, theo hãng tin Reuters, Việt Nam dự kiến cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu vàng sau hơn một thập kỷ nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Reuters dẫn lời ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) bên lề hội nghị Kim loại quý Châu Á Thái Bình Dương (APPMC): “Chính phủ cho biết, sẽ bắt đầu nhập khẩu vàng chính thức vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới. Chúng tôi hy vọng đến tháng 7 năm nay, Chính phủ sẽ cho phép các công ty nhập khẩu vàng trực tiếp”.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí trong nước, ông Huỳnh Trung Khánh nhấn mạnh, tất cả những thông tin trên chỉ dừng lại ở mức “kỳ vọng” và Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra quyết định chính thức.
Trước đó, VGTA đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng là SJC, PNJ và DOJI nhập khẩu 1,5 tấn vàng nhưng không được chấp thuận. Đến đầu năm 2024, VGAT tiếp tục đề xuất nhập khẩu 10 tấn vàng để phục vụ chế tác trang sức và mỹ nghệ.
Theo ông Khánh, 10 tấn vàng không phải là con số quá lớn và không gây ảnh hưởng đến tỷ giá cũng như dự trữ ngoại hối quốc gia. Đồng thời, con số này phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, tính riêng nhu cầu của một doanh nghiệp như PNJ cũng đã lên tới 5 – 6 tấn vàng/năm.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, hoạt động mua vàng dự kiến sẽ tăng lên 33 triệu tấn trong 6 tháng năm 2024. “Nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu đầu tư vàng mạnh mẽ là do lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, bất động sản chững lại và tình trạng mất giá của tiền đồng so với đồng USD”, ông Khánh nói.
Đại diện của Hiệp hội Kinh doanh vàng còn khẳng định nhu cầu vàng tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng tăng theo, đặc biệt là từ Campuchia.
Nhập khẩu vàng vẫn luôn là vấn đề nóng trong thời gian qua, nhất là khi giá vàng trong nước tăng phi mã.
Từ năm 2012 đến nay, NHNN không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu 9999. Trong giai đoạn từ năm 1991 – 2012, nước ta đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng, bao gồm cả vàng nguyên liệu, vàng ký và vàng hạt.
Tuy nhiên, sau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh cao, nhiều chuyên gia kiến nghị nên nhập khẩu vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh nhận định: “Đã đến lúc cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng về để chế tác trang sức. Có ngành nào mà không có nguyên liệu mà vẫn sản xuất được?” Đồng thời, ông Khánh cho rằng, theo Nghị định 24, NHNN có thể ủy quyền cho các doanh nghiệp khác nhập khẩu vàng khi cần thiết, phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình với kiến nghị nhập khẩu vàng bởi theo ông, nếu muốn giảm chênh lệch giá vàng thì phải tăng cung. Đồng thời, nhập khẩu vàng cũng không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá hối đoái.
“Ước tính khối lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam rơi vào khoảng 50 – 60 tấn, tương đương khoảng 3 tỷ USD. 3 tỷ USD là con số không quá lớn so với nhập khẩu rượu lậu vào Việt Nam. Còn nếu so với nhập khẩu mỹ phẩm, cả chính ngạch lẫn nhập lậu, cũng vượt quá 3 tỷ USD. Nếu so sánh tương đương, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhập khẩu vàng còn không bằng thuốc lá và rượu ngoại”, ông Nghĩa chỉ ra.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định có nhập khẩu vàng hay không. GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP. HCM lo ngại nhập khẩu vàng sẽ khiến tiền đồng càng thêm mất giá.
Ông dẫn chứng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng tăng cường nhập khẩu vàng trong giai đoạn 2010 – 2020 để giải quyết nhu cầu vàng tăng cao và để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới. Kết quả, quốc gia này rơi vào cảnh hao hụt ngoại tệ khiến đồng nội tệ càng thêm mất giá. Đến tháng 2/2023, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải cấm nhập khẩu vàng, chỉ được tạm nhập và tái xuất.
PV (t/h)