Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thủ đoạn hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động

Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng chức năng phải phối hợp liên ngành chặt chẽ nhằm quản lý tốt địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thi hành nhiệm vụ.

Trong quý I/2020, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý gần 53 nghìn vụ việc vi phạm (tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 8.630 tỷ đồng (tăng gần 250% so với cùng kỳ), khởi tố 731 vụ (giảm 10% so với cùng kỳ), với 891 đối tượng (giảm 9% so với cùng kỳ).

Khẩu trang được giấu dưới lớp bao xi-măng rất tinh viTại Điện Biên, khẩu trang được giấu dưới lớp bao xi-măng rất tinh vi

Trong nhiều năm trở lại đây, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL, GLTM, HG) đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, các lực lượng chức năng đã tiến công vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, kẽ hở khiến cho hàng trôi nổi, kém chất lượng vẫn nhởn nhơ có mặt trên thị trường.

Trong đó, phải kể đến trình độ của lực lượng chức năng chống BL, GLTM, HG chưa đồng đều, ảnh hưởng tới công tác tham mưu, phát hiện và xử lý vụ việc; vẫn còn một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, sản xuất, kinh doanh. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, bộ đội Biên phòng, hải quan, cảnh sát biển chưa thật sự chặt chẽ, nên hiệu quả của công tác phòng, chống BL, GLTM, HG chưa đạt như mong muốn.

Đáng bàn, tình trạng BL, GLTM, HG vẫn đang diễn biến phức tạp, nóng ở cả ba tuyến đường bộ, đường biển và hàng không. Ðối với tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, trọng điểm là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm có nhiều diễn biến khó lường. Vi phạm chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, đồ điện tử gia dụng, máy móc…

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, một số đối tượng đã thu gom, đầu cơ mặt hàng khẩu trang y tế để xuất lậu sang nước ngoài kiếm lời. Điển hình trong tháng 3 vừa qua, tại khu vực thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ vụ vận chuyển lậu 20 bao tải chứa bên trong hơn 50 nghìn chiếc khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Trung Quốc với giá trị khoảng 150 triệu đồng…

Khẩu trang bị lỗi được bà Nguyễn Thị Tím, tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) mua của Phạm Bảo Quốc về tái chế đã đóng vào hộp chuẩn bị đưa ra thị trườngKhẩu trang bị lỗi được mua về tái chế đã đóng vào hộp chuẩn bị đưa ra thị trường

Trên tuyến đường biển, trọng điểm là vùng biển Đông Bắc, biển miền trung và vùng biển Tây Nam, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu, pháo nổ, thuốc lá của các đối tượng ngày càng tinh vi, có sự câu kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điển hình vụ việc ngày 12-1 tại vùng biển Hà Tĩnh, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ một tàu nước ngoài đang sang mạn trái phép gần hai triệu lít xăng RON 92 với giá trị hơn 26 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động vận chuyển trái phép ma túy cũng diễn ra phức tạp tại địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ như Long An, Đồng Tháp, An Giang là thuốc lá điếu, đường cát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng…

Các đối tượng lợi dụng địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt; lợi dụng chập tối, nửa đêm, gần sáng và sử dụng các phương thức vận chuyển như vác bộ, xe máy hoặc xuồng máy công suất lớn chạy với tốc độ cao nên việc bố trí bắt giữ của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác; tăng cường phối hợp đồng bộ, từ đó đưa ra các giải pháp quyết liệt, toàn diện và thực chất hơn. Việc trinh sát, điều tra những đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn có sự phối hợp của các lực lượng là điều rất quan trọng. Thực tế chúng ta chưa làm được nhiều khi công tác chống BL, GLTM, HG mới chạm đến “phần nổi của tảng băng chìm”.

Lực lượng hải quan cần phối hợp tốt với lực lượng biên phòng, tập trung tiến công các đường dây, ổ nhóm để phòng ngừa, triệt phá nạn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm ngay tại các điểm nóng ở khu vực cửa khẩu, biên giới.

Các lực lượng như quản lý thị trường, công an, thuế cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; theo dõi, xác lập đối tượng, chuyên án cụ thể để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật, hoặc chuyển cơ quan chức năng khởi tố những vụ việc về hàng giả, buôn lậu, nhất là hàng cấm, gian lận có giá trị, thuế suất lớn.

Ngoài ra, để bắt được những kẻ cầm đầu, chủ mưu, các cơ quan chuyên ngành cần làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; chủ động xây dựng phương án đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân bao che, tiếp tay, bảo kê tội phạm.

Nạn BL, GLTM, HG ngày nay không chỉ ở kênh bán hàng trực tiếp mà còn diễn ra ở cả kênh bán hàng trực tuyến mà rất ít bị phát hiện và xử lý; nhất là khi tốc độ phát triển thương mại điện tử hiện nay diễn ra rất nhanh, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Vì vậy, các lực lượng chức năng phải tiếp tục nâng cao năng lực, chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch chống BL, GLTM, HG trong hoạt động thương mại điện tử, nhằm kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nêu trên để góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

5 cán bộ, chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ chống buôn lậu

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, rạng sáng 28-4, tổ trực chốt phòng chống Covid-19 gồm bảy đồng chí đang làm nhiệm vụ gần cột mốc 314 (phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên) khu vực tiếp giáp biên giới Việt Nam và Campuchia, phát hiện khoảng 200 đối tượng vừa vác, vừa đẩy các bè thuốc lá (khoảng 250 thùng) đi từ hướng biên giới vào gần vị trí của chốt trực.

Tổ trực phát tín hiện về Đồn yêu cầu chi viện để ngăn chặn, khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng và Cảnh sát cơ động được tăng cường lên hỗ trợ. Tuy nhiên, khoảng 100 người trong nhóm vác, đẩy hàng lậu đã dùng gậy gộc, dao sắc, nhọn và đá cục mang sẵn xông vào đội hình của lực lượng làm nhiệm vụ để chống trả.

Lực lượng đã khống chế được hai đối tượng, thu giữ năm thùng thuốc, nhưng bị số đông đối tượng còn lại dùng gậy, dao đánh, dùng đá ném vào lực lượng, cướp lại bốn thùng thuốc và đẩy tất cả số thuốc lá trên đường vận chuyển về lại bên kia biên giới.

Hậu quả, 5 cán bộ, chiến sĩ đã bị thương, lực lượng nhanh chóng tổ chức đưa người bị thương đến Trung tâm Y tế TP Hà Tiên điều trị. 

 Hoan Nguyễn

Bài liên quan

Tin mới

Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII
Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?
5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?

Việt Nam có mạng lưới sông suối dày đặc, trong đó có nhiều con sông lớn, là nguồn tài nguyên quan trọng...

Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu
Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 23.5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu.

Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024
Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024

Vừa qua, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1325/QĐ-UBND quyết định về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố
Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố

Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch UBND quận, huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố….

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.