Thu hút FDI: Tiếp tục lạc quan - Hình 1

2017 được đánh giá là năm hoàng kim trong thu hút vốn FDI. Ông đánh giá ra sao về việc thu hút cả chất lượng, số lượng nguồn vốn FDI của Việt Nam?

Năm 2017, chúng ta thành công trong thu hút nguồn vốn nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, trực tiếp số lượng FDI đăng ký đến thời điểm cuối năm là 35 tỷ USD, con số thể hiện rõ ràng việc tăng mạnh so với năm ngoái. Về giải ngân FDI, cũng đạt mức có thể lên đến 17 - 18 tỷ USD và tăng 12 - 15% so với năm ngoái.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng rất tốt. Thống kê cho thấy, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu đã ở mức 2,5 tỷ USD cũng là mức ấn tượng trong năm qua. Điều đó cho thấy sự thành công, tất nhiên cũng có một phần do hiệu ứng của việc Việt Nam là nước chủ nhà của APEC, cũng như triển vọng phát triển kinh tế, đặc biệt là cải cách của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh - tạo cú hích quan trọng, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư. Đương nhiên, chúng ta không chủ quan vì còn rất nhiều việc phải làm.

Đằng sau con số 33 tỷ USD hoàng kim, theo ông có những điểm bất cập gì về thu hút FDI của Việt Nam?

Đó là con số tích cực, còn nhà đầu tư là ai và triển khai như thế nào, có lẽ chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ hơn nữa. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Bộ KH&ĐT có sự sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài; các địa phương cũng sàng lọc hơn đối với các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là sau một số sự cố về môi trường thời gian qua.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu lo lắng, nguồn thu của Việt Nam hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào FDI, nhưng tỷ lệ nội địa hóa trong hoạt động kinh doanh của FDI lại không cao. Theo ông, chúng ta cần phải giải quyết thế nào cho năm 2018?

Đây là bài toán khó đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của chúng ta là muốn được chuyển giao công nghệ, muốn có nhiều kết nối giữa DN trong nước và ngoài nước, nhưng thực tế thời gian qua chưa đạt được kỳ vọng đó.

Kết quả này, phần nào đó cũng do lỗi của chính chúng ta. Do cơ chế, chính sách. Theo tôi, cơ chế, chính sách cần phải hoàn thiện, chặt chẽ hơn, yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài cam kết mạnh mẽ hơn và phải thực hiện đúng cam kết của mình, đặc biệt liên quan đến chuyển giao công nghệ, quản trị điều hành và gắn kết với DN trong nước.

Các DN trong nước cần phải chủ động hơn. Nếu chúng ta bị động thì rõ ràng, không ai mời chúng ta tham gia vào chuỗi đầu tư đó. Vì vậy, DN trong nước phải lớn mạnh lên, phải tái cơ cấu, đầu tư bài bản hơn, bởi với DN nước ngoài, việc làm ăn chuyên nghiệp rất quan trọng.

Thứ nữa là vai trò của chính quyền địa phương, các bộ, ngành, hiệp hội cần làm tốt hơn nữa để ổn định giữa DN trong nước và ngoài nước.

Một số nghị định, gần đây được Chính phủ ban hành đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Ông đánh giá như thế nào về khả năng hút FDI năm 2018 của Việt Nam?

Theo tôi, những nghị định, quy định như vậy là cần thiết, bởi vì chúng ta cần phải kiểm soát được rủi ro, mà kiểm soát tốt rủi ro thì sẽ tốt cho DN trong nước và nước ngoài, đặc biệt liên quan đến an ninh mạng, tới những rủi ro về thông tin, rủi do về mất uy tín danh tiếng hay là pháp lý. Tôi nghĩ, DN đầu tư vào nước nào cũng phải nghiên cứu tuân thủ theo những quy định đó.

Về khả năng thu hút FDI 2018, chúng ta cũng không quá lo, bởi vì Chính phủ vẫn cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, đây cũng là một trong 3 trọng tâm của Chính phủ cam kết trong năm 2018.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kiều Tuyết (thực hiện)