Nhiều giải pháp đã triển khai
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc triển khai thực hiện các giải pháp để thu đúng, thu đủ, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 lan nhanh ra toàn cầu và tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động dây chuyền có khả năng dẫn đến khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, lương thực, tài chính tiền tệ... đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái.
Nhiệm vụ hoàn thành dự toán thu NSNN năm nay khó có thể về đích như kỳ vọng
Bởi vậy, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN Quốc hội giao, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống thất thu NSNN, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tích cực triển khai các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng, tăng cường công tác hỗ trợ người nộp thuế. Cụ thể như sau:
Ngay từ đầu năm, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, trên cơ sở rà soát lại kết quả thực hiện thu năm trước và đánh giá lại toàn bộ các nguồn thu trên từng địa bàn theo từng khoản thu, sắc thuế để giao chỉ tiêu phấn đấu thu cho các cục thuế, cục hải quan, chỉ đạo các cục thuế, cục hải quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm theo mức phấn đấu cao nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN và NSTW.
Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán và số người nộp thuế báo ngừng, nghỉ kinh doanh trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% người nộp thuế có kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, khai, nộp thuế của doanh nghiệp.
Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ,... tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào một số mặt hàng, các trường hợp miễn, giảm thuế kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý Nhà nước, chế độ chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế cần tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, cơ quan thuế tạm thời chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra mà tập trung phân tích rủi ro chuyên sâu đối với các doanh nghiệp này để điều chỉnh kế hoạch đối với doanh nghiệp có yếu tố rủi ro thấp. Đồng thời, tăng cường rà soát, phân tích kê khai, kiểm tra tại cơ quan thuế để đôn đốc người nộp thuế kê khai đúng qui định pháp luật đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời.
Rà soát, đổi mới công tác thu thuế đối với hộ kinh doanh theo hướng: chính sách thuế đơn giản; áp dụng công nghệ thông tin, quản lý theo rủi ro, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và người nộp thuế.
Đồng thời, triển khai các giải pháp xử lý nợ thuế, giao chỉ tiêu thu nợ thuế trong năm 2020 cho từng cục thuế, hải quan chỉ đạo cục thuế, hải quan phân công, giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng phòng, chi cục, từng đội, từng cán bộ, công chức gắn trách nhiệm cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo cục, lãnh đạo phòng, chi cục và công chức…
Khó trong việc thu NSNN
Chính phủ cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, tổng thu NSNN ước đạt 975.355 tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 64,3% dự toán, giảm 8,3 so với cùng kỳ năm 2019%; thu dầu thô đạt 78,2% dự toán, bằng 63,1% so với cùng kỳ năm 2019; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67,4% dự toán, giảm 13,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Với công tác thanh tra, kiểm tra: Theo Chính phủ, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, cơ quan thuế đã thực hiện 52.211 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 56,47% kế hoạch năm 2020. Kiểm tra được 436.112 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 42.135 tỷ đồng. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.991 tỷ đồng; giảm khấu trừ 1.304 tỷ đồng; giảm lỗ 26.840 tỷ đồng; tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 7.117 tỷ đồng.
Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 198 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 490,58 tỷ đồng; giảm lỗ 3.262,69 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2,62 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 3.720,52 tỷ đồng.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại: Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 12.190 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.088,108 tỷ đồng. Thu NSNN đạt 522,455 tỷ đồng, cơ quan hải quan đã ra quyết định khởi tố 30 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 83 vụ.
Công tác đấu tranh phòng, chống ma túy: Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 177 vụ án, chuyên án ma túy; thu giữ 79,661kg và 219 bánh heroin; 22,417 kg và 400.464 viên ma túy tổng hợp; 632,822 gram ma túy đá; 18kg ketamin; 15,112 kg cây cần sa, 15,73kg thuốc phiện…
Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu: Ngày 19/12/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Quyết định này đã có hiệu lực thi hành (từ 15/02/2020), Tổng cục Hải quan đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Theo đó, số container tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày tính đến hết tháng 9/2020 là 3.376 container.
Đối với tình hình nợ thuế: Trong 9 tháng đầu năm 2020 tình hình thu hồi nợ đọng thuế gặp nhiều khó khăn. Theo đó, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2019 ước đạt 20.292 tỷ đồng, bằng 48% nợ có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Số nợ thuế 9 tháng đầu năm 2020 tăng lên so với thời điểm cuối năm 2019 nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị định 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, đến nay, một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước…
Bùi Quyền