Trong lúc đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến sinh hoạt chung mà nguồn thu từ sử dụng đất tăng là điều bất thường, chưa có tiền lệ.
Thời gian qua thu ngân sách nhiều là dầu thô tăng nên tăng thu nhưng mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng vọt, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh, làm ngán ngại cho nhà đầu tư và tái đầu tư, xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: Việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến chính sách thuế cho đối tượng bị tác động. Ông nhấn mạnh: Thu từ sử dụng đất cũng tăng cao. Đây là nguồn thu bất ổn định.
“Trong lúc đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến sinh hoạt chung mà nguồn thu từ sử dụng đất tăng, tôi nghĩ là điều bất bình thường, chưa có tiền lệ. Đề nghị Chính phủ có đánh giá để ổn định nguồn thu này, để không phải như bong bóng, không biết bị vỡ từ lúc nào”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
Kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn rủi ro, lạm phát có khả năng tăng cao rất khó kiểm soát. Giá cả thị tường tăng, nhất là mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng, dầu. Trong khi đó giá nông sản tăng không đáng kể, thậm chí có loại thấp hơn cùng kỳ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nông dân. Xuất khẩu tăng nhưng nhập khẩu lại tăng hơn.
Trước các vấn đề bất ổn của nền kinh tế, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, công trình trọng điểm quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế sau Covid-19, các chương trình này rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người lao động. Trọng tâm là chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế, duy trì lãi suất cho vay hợp lý để ổn định tiền tệ, kiểm soát nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhanh, hiệu quả.
Doanh nghiệp phục hồi, đăng ký hoạt động tăng nhưng vẫn chưa đủ theo mong muốn. Thu ngân sách ngoài Nhà nước thời gian qua giảm sút mạnh, mà đây là nguồn thu chính của ngân sách, góp phần ổn định lạm phát. Cho nên, có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh là vấn đề quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Q.N (t/h)