Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và triển khai tháng cao điểm "Vì người nghèo", tối 15/10, UB TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT tổ chức chương trình “Chung tay vì người nghèo 2017” tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP.HCM.
Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo
Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong suốt 72 năm qua, xoá đói giảm nghèo luôn là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ Tướng kêu gọi cả nước chung tay nhắn tin ủng hộ người nghèo. Ảnh: VGP
Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng từ 1992 đến nay, mỗi năm Nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp, lồng ghép thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, cùng với sự ủng hộ của nhiều DN, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cho biết, công tác giảm nghèo đến nay đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016 và trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017.
“Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn rất nhiều khó khăn, thách thức với trên 1,9 hộ nghèo, hơn 1,3 triệu hộ cần nghèo.
Với cam kết mỗi năm phấn đấu giảm 1-1,5% hộ nghèo, Thủ tướng cho rằng đây là việc làm rất khó khăn, nhưng giàu tính nhân văn, vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững.
“Hôm nay chúng ta đang ở đây, trong khi đó hàng nghìn đồng bào của chúng ta đang phải chịu cảnh lũ lụt tàn phá, nhiều gia đình bị tang thương, mất người, mất nhà, bị đất đá vùi lấp bị nước lũ cuốn trôi. Trong đó có rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Đó là đồng bào của chúng ta, một bộ phận của của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần tiếp tục động viên và giúp đỡ họ một cách có trách nhiệm và tình thương, chia sẻ”, Thủ tướng gửi gắm.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nghĩ về đồng bào, về những gia đình khó khăn nhọc nhằn trong cuộc sống lại càng thôi thúc chúng ta phải làm hết mình để đưa đất nước thoát khỏi nhóm thu nhập trung bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
“Trong giờ phút này đây, tôi kêu gọi tinh thần cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau. Xin mọi người cùng với tôi cầm cầm điện thoại lên, chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về những miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai lũ lụt, soạn VNN gửi vào số 1408. Mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng”, Thủ tướng kêu gọi và gửi lời cảm ơn đến tất cả các tấm lòng hảo tâm.
Mỗi người nghèo hãy vươn lên
Tại chương trình, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, 17 năm qua, phong trào ủng hộ người nghèo, vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng trên toàn xã hội.
Quỹ người nghèo các cấp đã tiếp nhận được hơn 13.000 tỷ đồng, chương trình an sinh xã hội các địa phương tiếp nhận trên 36.000 tỷ động, góp phần xây dựng và sửa chữa trên 1,4 triệu căn nhà cho người nghèo, hàng triệu hộ nghèo được hỗ trợ vốn và tư liệu sản xuất, hàng chục ngàn công trình dân sinh được sửa chữa, góp phần thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Đại đoàn kết
“Mong mỏi mỗi hộ nghèo, người nghèo, bằng nỗ lực của bản thân cùng với sự quan tâm của nhà nước, cộng đồng hãy vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Trần Thanh Mẫn kêu gọi.
Từ đầu cầu phía Nam, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm, hiện nay chương trình giảm nghèo bền vững đã có cả 3 nhánh: Chương trình của Chính phủ, chương trình phối hợp giữa Chính phủ với UB TƯ MTTQ và chỉ thị của Ban Bí thư tạo nên cơ chế mới, triển khai xuống tận cơ sở.
Theo đó mỗi xã đều có chương trình phối hợp, ký kết giữa chủ tịch UB MTTQ với Chủ tịch UBND xã, phường để triển khai.
“Trong đó MTTQ cùng các tổ chức thành viên chọn lọc phân công, mỗi hộ nghèo có một đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... nhận hỗ trợ. Như vậy không còn hộ nghèo một mình mà đằng sau hộ có 1 tổ chức chính trị xã hội”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Song song đó, phương thức triển khai được tiến hành bài bản, chặt chẽ, có tập huấn, học tập
“Qua thực tế, sau khi các hộ đã bước vào kinh doanh giảm nghèo một thời gian, sức họ có hạn. Phải có tập thể những người cùng ngành nghề giúp nhau. Hộ cá thể muốn thoát nghèo thì phải thông qua tổ hợp của hợp tác xã, mô hình mới này mới này sẽ giúp giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Thiện Nhân đúc kết.
Tại chương trình, nhiều doanh nghiệp đã cam kết ủng hộ hơn 264 tỷ đồng cho người nghèo, kể cả các nguồn hỗ trợ đầu tư các dự án vì người nghèo.
Nhiều nhà hảo tâm cũng đã trực tiếp đứng lên ủng hộ cho gia đình chị Trương Thị Lĩnh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - hộ nghèo nhất trong nhiều hộ nghèo. Căn nhà chị bị tốc mái do bão số 10, bản thân chị bị cùng lúc bị viêm cầu thận, hở van tim, tràn dịch màng phổi, BS bảo nằm lại điều trị nhưng không có tiền, cậu con trai lớn đang học cấp 3 đã có lúc xin nghỉ học đi làm thêm lấy tiền mua thuốc cho mẹ.
theoVietnamNet