Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về an ninh lương thực (chiều 31/3), Thủ tướng nêu rõ, xuất khẩu là cần thiết, là thế mạnh của nước ta nhưng trong bối cảnh hiện nay thì xuất khẩu (gạo) phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực trên tinh thần thực hiện tốt Nghị định 107 của Chính phủ.
Thủ tướng cho rằng, năm nay được mùa, được giá, nông dân trồng lúa có lợi mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Việc chỉ đạo cấy xạ trước 1 tháng giúp mức thiệt hại chỉ bằng khoảng 9% so với đợt hạn mặn năm 2016.
Xuất khẩu gạo phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực
Thủ tướng nhấn mạnh tới yêu cầu bảo đảm lương thực dồi dào đối với 100 triệu dân và phải đảm bảo dự trữ, thực hiện các nhiệm vụ khác như hỗ trợ gạo để trồng rừng, hỗ trợ học sinh miền núi…
Cùng với việc đảm bảo giá cả có lợi cho người nông dân, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương điều hành chặt chẽ, có kiểm soát để đảm bảo nguồn lương thực ở nước ta.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương trong cả nước chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là sản xuất lương thực để các vùng, miền có đất lúa, đặc biệt là lúa nước, đảm bảo cân đối được lương thực. Cùng với đó, những vùng có năng suất cao, chất lượng tốt có thể tính toán tới việc xuất khẩu lương thực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản chính thức (có ý kiến của một số bộ liên quan) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 5/4/2020, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, nhất là trong bối cảnh thời tiết, khí hậu bất lợi và dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo, 90.000 tấn thóc và có thể mua nhiều hơn để dự trữ theo chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách.
Ngày 28/3, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu 800.000 tấn gạo trong tháng 4,5. Kiến nghị này được Bộ Công Thương đưa ra sau khi làm việc, khớp lại số liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất tạm hoãn xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực. Đề xuất này sau đó được Thủ tướng chấp thuận.
Nhưng chỉ một ngày sau, Bộ này lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo. Giải thích về lý do thay đổi, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương cho biết, do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, nhất là sản lượng lúa vụ Đông Xuân tại đồng bằng sông Cửu Long trong doanh nghiệp, người trồng lúa... nên cần tính toán lại.
Hoan Nguyễn