Sáng 11/12, tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Dự và chủ trì hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.
Tham dự hội nghị tại Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương; Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các đoàn thể chính trị, xã hội; Thường trực UBND 63 tỉnh, thành phố; các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh, thành phố dự tại các điểm cầu trực tuyến.
Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam cùng các nước trên thế giới kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12/1948-10/12/2024) và hưởng ứng giai đoạn thứ 5 của chương trình giáo dục quyền con người do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thông qua vào ngày 19/8/2024.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là hướng tới mục tiêu “mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”.
Nói một cách khác, trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Có thể khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành tổ chức hội nghị này; cho rằng, hội nghị diễn ra đúng ngày Nhân quyền Thế giới, gửi đi thông điệp giáo dục quyền con người của đất nước ta tới thế giới.
Thủ tướng chỉ rõ, công tác nhân quyền của Việt Nam được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, với trách nhiệm, không phải hình thức, bằng các việc làm cụ thể, từ các cơ chế chính sách, nhất là chính sách an sinh xã hội.
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã nói về nhân quyền. Đây là điều xuyên suốt, nhất quán. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã đề cập quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc và không ai có thể xâm phạm được. Từ đó đến nay, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đều đề cập vấn đề này.
Thủ tướng cho biết, chúng ta đã đề 2 hai mục tiêu 100 năm trong đó mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành các chủ trương, kế hoạch để giáo dục quyền con người trên quan điểm nhất quán của Đảng là bảo vệ, giáo dục quyền được sống, quyền được tự do của con người.
Con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Lưới an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, hội nhập. Chính sách công bằng xã hội là chính sách con người và tiếp cận bình đẳng về giáo dục và y tế…
Thủ tướng đã nêu 3 vấn đề chính về: Quyền con người ở Việt Nam; về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người; và nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện quyền con người và giáo dục quyền con người.
Đặc biệt khi nói về và nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện quyền con người và giáo dục quyền con người, Thủ tướng chỉ rõ, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của toàn dân, có tính bao trùm toàn diện và cả nước; Đặt dưới sự chỉ đạo của đảng sự, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân.
Thủ tướng khẳng định chương trình quyền con người là chương trình chính thức, không phải là kết hợp và được đặt trong chương trình tổng thể của nền giáo dục Việt Nam. Trong đó lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng; Thực hiện chương trình học tập suốt đời.
Thủ tướng đã chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ về bảo vệ quyền con người trong đó nhấn mạnh: Quyền con người phải được đảm bảo được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; Quyền con người của Việt Nam là người dân được tự do, được sống, hoạt động trong khuôn khổ phát luật, phát huy tối đa lợi ích của cá nhân và đóng góp cho xã hội, cộng đồng; Người Việt Nam phải có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày càng tăng theo hàng năm và ko để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng tin tưởng, với sự đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta, công tác bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc.
Theo VOV.vn