Nhân dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, tối 24/01, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân chủ trì buổi gặp mặt, chiêu đãi Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam cùng các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội cùng Phu nhân, Phu quân.
Vượt qua sóng cả, vững tay chèo
Trong không khí ấm cúng, chân tình, hân hoan, phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngày 22/12/2023, gần 2 tỷ người dân trên thế giới đón tin vui khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên Hợp Quốc. Đây là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên thế giới.
Đối với dân tộc Việt Nam, Tết cổ truyền hàng năm mang ý nghĩa quan trọng, là dịp sum họp, sẻ chia, gắn kết gia đình, cộng đồng; để người người, nhà nhà cùng nhau nhìn lại một năm đã qua, bày tỏ tri ân, trao gửi lời chúc và cùng ước vọng về năm mới tốt đẹp hơn.
Nhân dịp Tết cổ truyền, thay mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi các đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Thủ tướng cho biết, năm 2023 vừa đi qua với nhiều biến động phức tạp. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của bạn bè quốc tế, con tàu Việt Nam đã "vượt qua sóng cả, vững tay chèo", "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái", đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực với nhiều dấu ấn nổi bật.
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%; tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, đưa quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm: Thu đủ chi - thu ngân sách năm 2023 tăng 8,12%; xuất đủ nhập - xuất siêu 28 tỷ USD; làm đủ ăn - xuất khẩu 8,3 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; an ninh năng lượng cơ bản được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tốt. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD trong khi tình hình thế giới rất khó khăn.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, góp phần mở rộng, nâng tầm quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và các nước, đối tác quốc tế.
Nhân dịp này, thay mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng chân thành cảm ơn các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế và thông qua các đại biểu, Thủ tướng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế về những tình cảm chân thành, sự hợp tác hiệu quả, hỗ trợ quý báu dành cho Việt Nam trong năm 2023 và trong suốt thời gian qua.
Chung tay xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn
Thủ tướng cho rằng, bước sang năm 2024, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chủ đạo, là xu thế lớn, là khát vọng chung của nhân loại. Các xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn… và các quan hệ liên kết, hợp tác kinh tế khu vực, quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội mới, lựa chọn mới, không gian phát triển mới cho các quốc gia.
Theo Thủ tướng, để những cơ hội, tiềm năng đó trở thành các động lực mới phục vụ khát vọng hòa bình và phát triển của nhân loại, đòi hỏi sự nỗ lực và đoàn kết đồng lòng của mỗi quốc gia và toàn thế giới. "Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân hiện nay", Thủ tướng khẳng định.
Do đó, Thủ tướng cho rằng, củng cố lòng tin chiến lược, sự chân thành và sẻ chia trách nhiệm là những yếu tố căn bản và quan trọng nhất để cùng khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; thúc đẩy đoàn kết và hợp tác quốc tế là giải pháp nền tảng để các quốc gia thu hẹp khác biệt, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế; đề cao chủ nghĩa đa phương, đặt người dân vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực, là động lực cho phát triển là cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả nhất đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân.
Theo Thủ tướng, thế giới cần cùng nhau chia sẻ, cùng có trách nhiệm chung để mang lại hòa bình, ổn định, để không còn phải chứng kiến những đau thương, mất mát, nhất là người dân vô tội; vì thế giới hôm nay về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh, tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng, tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. Trong bối cảnh đó, tinh thần Đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới cần được nhân rộng và toả sáng "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công".
Trên cơ sở kiên trì, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển, Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục nỗ lực cùng các quốc gia, các tổ chức quốc tế đoàn kết, chung tay xây dựng một thế giới ngày càng an lành, hạnh phúc, ngày càng tốt đẹp hơn, để mọi người dân không phân biệt quốc gia, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò cầu nối đặc biệt của mình, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với Việt Nam ngày càng gắn kết bền chặt hơn, sâu sắc, thiết thực và hiệu quả hơn; để mỗi quốc gia, mỗi dân tộc chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Thủ tướng cho biết, với văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt vì là năm "con rồng"; dân tộc Việt Nam có nhiều huyền thoại và sự tích liên quan đến con rồng mà nổi bật là truyền thuyết "Con rồng cháu tiên"; năm rồng là biểu tượng của một năm tràn đầy năng lượng, sức mạnh, niềm tin, hy vọng, phồn vinh và may mắn.
Thủ tướng gửi lời chúc mừng năm mới các đại biểu bằng câu đối của dân gian Việt Nam: "Chúc Tết đến trăm điều như ý/ Mừng Xuân sang vạn sự thành công".
Vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được khẳng định
Thay mặt các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nhà nước Palestine, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam - Ngài Saadi Salama chúc mừng những thành tựu và dấu ấn quan trọng của Việt Nam trong năm 2023.
Trong đó, vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Tinh thần "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" được phát huy hiệu quả. Các chuyến thăm của các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước tới Việt Nam cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới các nước đã mở ra những vận hội lớn để phát triển đất nước.
Việt Nam đã và đang tiếp tục mở rộng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, đồng thời không ngừng củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, duy trì và phát triển mối quan hệ với tất cả các nước lớn và đối tác chủ chốt khác.
PV (t/h)