Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch.
Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19" (viết tắt là COVAX) là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19. Sáng kiến COVAX ra đời trong năm 2020 lấy cảm hứng từ các chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh Ebola ở Tây Phi.
![Lô vaccine thứ 2 Việt Nam tiếp nhận từ Cơ chế COVAX Lô vaccine thứ 2 Việt Nam tiếp nhận từ Cơ chế COVAX](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/06/24/co-che-covax-1624493765.jpg)
Cơ chế này được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Trong cơ chế này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác để bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả.
Về lộ trình vắc xin, mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỉ liều trước cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Mọi quốc gia (bất kể mức phát triển) đều có thể tiếp cận vắc xin COVID-19 của COVAX. Mục tiêu cuối cùng là các quốc gia tham gia COVAX được tiêm chủng ít nhất 20% dân số, bắt đầu từ đội ngũ y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Để tài trợ cho nguồn cung ứng vắc xin, COVAX huy động tài trợ từ các nguồn quỹ công và quỹ tư nhân.
Trong năm 2020 đã có hơn 2 tỉ USD được huy động từ các chính phủ, tổ chức thiện nguyện và khu vực tư nhân. Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên.
Bảo Lâm