Cảnh đổ nát tại Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Barzeh, ngoại ô phía đông bắc Damascus sau cuộc tấn công của Mỹ- Anh-Pháp
Nhiều khả năng nhà lãnh đạo Anh sẽ phải đối mặt nguy cơ chỉ trích gay gắt về quyết định này, đặc biệt từ các nghị sỹ đối lập.
Thủ lĩnh Công đảng đối lập tại Anh, ông Jeremy Corbyn đã đặt ra nghi ngờ về cơ sở pháp lý để Anh tham gia các cuộc không kích tại Syria. Ông cho rằng bà May nên triệu tập cuộc họp Quốc hội để tham vấn về việc Anh tham gia cuộc tấn công tại Syria trước khi tự ý đưa ra quyết định.
Theo ông, Anh cần đưa ra quy định chặt chẽ hơn, giống như Luật phát động chiến tranh (War Powers Act) để mọi hành động của chính phủ phải đặt dưới sự kiểm soát của Quốc hội.
Ngày 14/4, liên quân do Mỹ đứng đầu, trong đó có Pháp và Anh, đã tiến hành các cuộc không kích Syria, coi đây là biện pháp đáp trả các cuộc tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, miền Đông Ghouta tuần trước. Thủ tướng May từng lý giải về quyết định để Anh tham gia tấn công Syria cùng Mỹ và Pháp là nhằm làm "suy yếu khả năng vũ khí hóa học" của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bà May khẳng định các cuộc không kích đã nhằm vào "những mục tiêu cụ thể và có sự chọn lọc", tránh các khu vực có dân cư sinh sống. Nữ Thủ tướng Anh đồng thời nhấn mạnh quyết định tấn công Syria là vì lợi ích quốc gia của Anh, và vì London "không cho phép việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, trên đường phố nước Anh hay bất cứ nơi đâu trên thế giới."
Việc bà May đã không tham vấn Quốc hội về quyết định này với lý do "cần hành động nhanh chóng và ngăn chặn có thêm người dân là nạn nhân trong các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học."
Không chỉ vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ, quyết định của bà May không nhận được sự đồng tình của người dân nước này.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận của tổ chức YouGov cho biết sau khi Anh tham gia tấn công Syria, chỉ có 22% số người được hỏi ủng hộ việc tấn công quân sự Syria.
TTXVN