Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; UBND các phường, xã, thị trấn chỉ đạo các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán vào từ 15h ngày 27/09/2022 - Yêu cầu các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn cho công nhân trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi có gió bão, công nhân đi làm ca chiều, tối ngày 27/09/2022 phải ở lại tại nhà máy để đảm bảo an toàn - Yêu cầu người dân không được ra đường (cấm đường hoàn toàn) từ 21h00 ngày 27/09/2022 đến khi có thông báo (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Đồng thời Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh:

Tổ chức sơ tán dân trước 15h ngày 27/09/2022; Các khu vực ven biển các huyện Phú Lộc, Phú Vang hoàn thành sớm hơn vào lúc 12h ngày 27/09/2022. Ưu tiên sơ tán trước các đối tượng trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo …

Tiến hành cưỡng chế di dời đối với các hộ dân không chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền.

Tại thành phố Huế, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật chỉ đạo lập các đội phản ứng nhanh; huy động tổng lực hỗ trợ bà con phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí sẵn các địa điểm an toàn cho người dân di dời đảm bảo đầy đủ lương thực thực phẩm trước, trong và sau bão.

Tại huyện Nam Đông, lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện phân công về các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo các địa phương không được chủ quan lơ là trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra; thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ); khẩn trương liên lạc, kêu gọi những người đang đi làm trong rừng, ở các vùng sản xuất về nhà hoặc tìm nơi tránh trú an toàn; chủ động thực hiện sơ tán các hộ dân ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lỡ đất, lũ quét, nhà ở không đảm bảo, chú ý các vùng trọng điểm, như: khu vực dân cư dọc tỉnh lộ 14b, dọc sông Tả Trạch: (thôn 1, thôn 2, xã Hương Lộc), xã Hương Xuân, xã Hương Sơn; suối Aka, thôn 3 và đoạn ngã 3 Thượng Long, khu dân cư thôn Lập, xã Thượng Nhật...; đặc biệt vận động người dân tuyệt đối không vớt củi, đánh bắt chim, cá dọc các sông suối khi đang mưa bão; thường xuyên kiểm tra công tác tích nước của hồ thủy điện Thượng Nhật, Thượng Lộ đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Bà Trần Thị Hoài Trâm- bí thư Huyện uỷ Nam Đông đang chỉ đạo Phòng chống bão Noru
Bà Trần Thị Hoài Trâm- bí thư Huyện uỷ Nam Đông đang chỉ đạo Phòng chống bão Noru.

Tại huyện Phú Vang, tính đến sáng ngày 27/09 chính quyền địa phương các cấp phối hợp lực lượng bộ đội Biên phòng đã thông báo, kêu gọi 838 tàu thuyền vào bờ tránh trú bão an toàn. Đã tiến hành rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân ứng phó với bão và nước dâng với 1.031 hộ/ 2.947 khẩu; trong đó, sơ tán tại chỗ 980 hộ/ 2.749 khẩu, di dời đến địa điểm tập trung 51 hộ/198 khẩu). Đối với nuôi trồng thủy sản, đã thu hoạch 2.232 tấn tôm cá các loại, đạt 90% kế hoạch và đôn đốc ngư dân thu hoạch các diện tích nuôi trồng thủy sản còn lại. Bên cạnh đó huyện cũng đã dự trữ 13 tấn gạo, 5.000 thùng mì tôm để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

                                                                                                                                                Minh Tích